Kinh nghiệm thế giới kiểm soát tài sản quan chức

Từ những năm 1960 – 1970, Mỹ và Hà Lan đã đưa việc kê khai tài sản và thu nhập thành một cơ chế chống tham nhũng hiệu quả. Từ đó, biện pháp này dần trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu, áp dụng ở 35 nước thành viên Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), các nước kinh tế phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, hàng chục quốc gia ở châu Á, Phi, Mỹ Latin và được Liên Hiệp Quốc ban hành công ước phòng chống tham nhũng.

Các viên chức hành pháp, lập pháp, tư pháp và công chức cấp cao được khuyến cáo kê khai tài sản trước và sau khi nhận chức vụ, thực hiện kê khai mỗi năm hoặc hai năm một lần.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, các tài sản cần kê khai của bản thân gồm bảng kê đầy đủ thu nhập và nợ nần, trong đó liệt kê tất cả bất động sản, tài sản có giá, danh mục đầu tư và các khoản nợ hoặc tiền trả góp hằng tháng, tất cả mọi nguồn thu nhập như tiền đầu tư, tiền thực hiện các hợp đồng tư vấn và từ công việc chuyên môn.

Tuy nhiên quy mô áp dụng, nội dung kê khai và hiệu quả của việc kê khai phụ thuộc vào tính nghiêm minh của luật pháp, thực thi pháp luật, hoạt động của bộ máy tư pháp, truyền thông, các tổ chức dân sự, các tổ chức phản biện độc lập… của nhà nước đó.

Từ năm 2014, Trung Quốc buộc cán bộ công chức phải đăng ký vào hệ thống các bất động sản và cổ phiếu của mình. Nhà chức trách có quyền kiểm tra ngẫu nhiên các thông tin và sẽ kiểm tra nghiêm túc mỗi lần cán bộ này được thăng chức.

Tuy nhiên, Trung Quốc chưa buộc cán bộ công chức phải kê khai toàn bộ tài sản và họ không kê khai hồ sơ ngân hàng.

Tại Ấn Độ, Luật quyền thông tin 2014 quy định đăng công khai thông tin về lương – thưởng của nhân viên nhà nước, cảnh sát trên trang web của cơ quan. Họ cũng phải công khai tài sản vào các tháng 3, tháng 7 hằng năm. Luật công chức năm 2014 quy định mỗi nhân viên nhà nước phải làm bảng kê khai hằng năm về tiền thu nhập và nợ nần của mình và vợ con.

Tại Nhật Bản, bên cạnh việc kê khai thu nhập và tài sản, các viên chức cấp cao phải báo cáo về những món quà có giá trị hơn 5.000 yen (khoảng 45 USD), các vụ mua bán chứng khoán và các khoản thu nhập vượt 1 triệu yen (khoảng 9.430 USD).
Nguồn: tuoitre.vn