Người dân chứ không phải quan tham mang lại sự minh bạch và thịnh vượng cho đất nước

chị Nguyễn Kiều Viễn giám đốc Tổ chức Hướng Tới Minh Bạch

Đa số mọi người nghĩ việc chống tham nhũng là việc của nhà nước? Tại sao chị lại “cắm đầu” vào việc này?

Tôi làm việc này đơn giản chỉ vì thấy cần và muốn làm: tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành quốc nạn, như con vi rút tràn lan khắp mọi nơi. Tôi thấy nhiều người dửng dửng, mặc kệ còn một số người quan tâm nhưng lại ngại không muốn “đụng chạm” vì phức tạp và nguy hiểm. Chính điều này càng thúc đẩy tôi vì để người dân tham gia vào phòng chống tham nhũng thì cần có những người bắt đầu.

Cú “hích” ra đời Tổ chức Hướng Tới Minh Bạch đã rất tình cờ xảy ra tại Cao Bằng – nơi tôi sinh ra. Nhân một chuyến về thăm quê, tôi đã vô tình gặp và nói chuyện với một chị phụ nữ nghèo bị mất đất. Chị rất nghèo, đã bị mất đất canh tác được 3 năm. Mảnh đất của chị bị thu hồi nhưng vẫn treo ở đó, chị không được canh tác thành ra không có gạo để nuôi 3 đứa con. Chị không dám đến trụ sở uỷ ban xã để hỏi thăm tình hình đất đai của gia đình vì tâm lý “sợ bị trù dập”, vả lại chị nói chị không có tiền “quà cáp” để “nhờ vả” chính quyền”.  Kể chuyện cho tôi nghe mà chị khóc ghê lắm. Tôi cũng khóc, trong lòng thấy nhiều chuyện vô lý và bất công. Chính những câu chuyện cụ thể này làm tôi có quyết tâm tham gia và vận động người khácc tham gia vào việc phòng, chống tham nhũng.

Có nhiều câu chuyện về việc người chống tham nhũng gặp khó khăn, thậm chí bị đe dọa. Cá nhân chị gặp khó khăn gì không?

Có chứ, đặc biệt là những năm đầu tiên khi hoạt động của Hướng Tới Minh Bạch còn rất mới mẻ ở Việt Nam , nhiều cơ quan nhà nước chưa biết mình hoạt động vì mục đích gì, tham nhũng lại là một chủ đề mang tính kiêng kị. Các hoạt động như nghiên cứu, khảo sát, phân tích và chia sẻ bản chất của các loại hình tham nhũng thường gặp rất nhiều thách thức và cản trở. Bản thân tôi đã từng bị nhiều lần doạ dẫm. Cũng  đã có trường hợp một số phóng viên và cộng tác viên sau khi đăng tải thông tin từ khảo sát của chúng tôi hoặc hợp tác tổ chức sự kiện với chúng tôi cũng bị liên luỵ. Sau nhiều lần như vậy thì chúng tôi đã chứng minh được mục đích của tổ chức là đồng hành cùng với các cơ quan nhà nước và xã hội để thực hiện một mục tiêu chung, và “kẻ thù” chung ở đây chính là giặc tham nhũng.

Có ai ở Việt Nam hoặc trên thế giới truyền cảm hứng cho chị trong việc chống tham nhũng không? Tại sao?

Đó chính là Tổ Chức Minh Bạch Quốc tế (TI). Trước khi gặp đại diện của TI tôi đã biết đến tên và một số công việc của tổ chức này trên thế giới, tôi rất thích và cảm phục.  Tôi tìm thấy được ở TI những giá trị mà tìm đang và muốn theo đuổi: Đó là minh bạch, công bằng, bản lĩnh và liêm chính. Rồi sau khi được giới thiệu làm quen với TI, đặc biệt là sự kiện Hội nghị Quốc tế về chống tham nhũng (IACC) năm 2008 tại Athen mà tôi được TI mời tham gia – tôi đã có ấn tượng rất mạnh và được truyền nhiều cảm hứng. Tôi vẫn nhớ Hội nghị IACC Athen đã quy tụ hơn một ngàn đại biểu đến từ hơn một trăm quốc gia trên thế giới: không chỉ là các quan chức nhà nước cấp cao mà còn rất nhiều nhà hoạt động xã hội độc lập, nhiều nhà báo, luật sư, rồi cả những công dân chống tham nhũng can đảm. Tôi rất cảm động khi được sống trong bầu không khí đầy năng lượng và sự cam kết cá nhân của rất nhiều thành viên của TI. Tôi đã oà khóc vì tự nhiên có cảm giác như được “về nhà”.

Cá nhân chị và TT đã chung tay phòng chống tham nhũng được 10 năm nhưng tham nhũng vẫn còn tràn lan. Chị có thấy nản lòng không? Tại sao?

Ai cũng biết tham nhũng là quốc nạn. Đấu tranh PCTN lại rất gian nan, rất phức tạp, thậm chí ngay cả bây giờ nhiều người, cả một số bạn bè còn nói là chống tham nhũng là nhiệm vụ bất khả thi, hay “muối bỏ biển”- làm làm gì.

Tôi cho rằng muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả đòi hỏi rất nhiều phương pháp, hành động và nhiều cá nhân, nhiều bên chung tay hợp sức. Bản thân tôi nhiều lúc rất cô độc, cũng có lúc buồn và nản lòng. Nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc: nếu bỏ cuộc là mình đã để tham nhũng đánh gục mình, chiến thắng mình.

Nhìn đi nhìn lại, sau 10 năm hoạt động, dần dần cũng thấy Hướng Tới Minh Bạch đã có nhiều “đồng minh” hơn, nhiều đối tác là cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, cả một số doanh nghiệp. Nếu năm 2008 tôi một mình tham dự Hội nghị quốc tế về chống tham nhũng (IACC) thì năm 2018 này tôi không còn cô độc nữa. Cùng đồng hành với tôi đã có các đại diện từ các cơ quan chính phủ (Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp quốc hội) cùng tham gia hội nghị. Các  từ khoá Tham nhũng, Minh bạch, Liêm chính… trước kia bị cho là rất nhạy cảm thì giờ đây đã trở thành vấn đề nhiều người quan tâm và dám nói  hơn. Sự chuyển mình trong nhận thức của xã hội  là có, mặc dù kết quả chống tham nhũng trên thực tế chưa được như mong muốn. Thay đổi phải cần thời gian và sự hợp sức của số đông, tôi nghĩ là như vậy. Sức mạnh tập thể đang dần dần được hình thành rồi.

Điều gì giúp chị và TT tiếp tục làm công việc này?

Được đóng góp, được theo đuổi niềm tin và được làm những gì mình thích chính là nguồn năng lược cho tôi tiếp tục. Niềm tin của tôi vào một ngày nào đó, Việt Nam sẽ khác đi, sẽ minh bạch hơn, tốt đẹp hơn, nhiều con người có lòng tự trọng hơn, luật pháp nghiêm minh hơn, xã hội đỡ bất công hơn, nhiều người nghĩ xa hơn, vì người khác hơn…Đây là những điều thôi thúc chúng tôi tiếp tục hành động.

Ngoài ra, khi chứng kiến các thay đổi trong nhận thức của người dân về tham nhũng, cách báo chí viết về các Phong Vũ Biểu Tham nhũng hay Khảo sát về Liêm chính trong thanh niên Việt Nam tôi thấy được khuyến khích rất nhiều. Hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt đầu chung tay đồng hành cùng TT thúc đẩy thực hành liêm chính và đưa ra các đòi hỏi về một môi trường kinh doanh trong sạch hơn.  Đặc biệt khi làm việc với các bạn trẻ tham gia khoá học về Liêm chính trong chương trình Vietnam Integrity School (VIS) mà TT tổ chức. Tôi thấy nhiều bạn đã viết về sự thay đổi của bản thân, VIS đã giúp các bạn nhìn nhận rõ hơn về vai trò của các bạn trẻ trong việc chống tham nhũng. Làm việc với các bạn trẻ đã tiếp sức cho tôi rất nhiều và cho tôi thêm hy vọng. Chính các bạn giúp tôi hiểu hơn thêm về giá trị của Giáo dục- giáo dục chính là một công cụ quan trọng giúp phòng ngừa tham nhũng.

Theo chị để chống tham nhũng ở Việt Nam hiệu quả hơn thì phải thêm cái gì, bớt cái gì?

Có lẽ thêm là thêm niềm tin, làm sao để dân tin tưởng hơn vào các nỗ lực của Đảng và nhà nước; để người tố cáo tham nhũng không sợ bị trả thù. Ví dụ, tỷ lệ hối lộ khi tiếp xúc với dịch vụ công tại Việt nam là rất cao, cao nhất so với các nước ASEAN (tham gia trong khảo sát của chúng tôi) nhưng chỉ 1/3 người dân tố cáo các hành động tiêu cực tới cơ quan nhà nước với lý do chủ yếu là họ thấy “tố cáo cũng không thay đổi được gì”. Tôi nghĩ cũng cần thêm cơ chế hiệu quả để lắng nghe ý kiến và phản ảnh của người dân hơn; Thêm tính độc lập của các cơ quan tư pháp, tố tụng. Bớt nói đi, làm nhiều hơn và “lò” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phải “nóng” xuống được dưới địa phương vì hoạt động phòng chống tham nhũng ở các tỉnh còn vô vàn khó khăn.

Theo chị người dân bình thường có thể làm gì để chống tham nhũng không?

Mỗi người dân đều có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trước hết, họ cần kiên quyết chấm dứt việc chủ động đưa hối lội để được việc cho mình và từ chối đưa khi bị đòi hối lộ khi tiếp xúc với các dịch vụ công như làm giấy tờ cá nhân, giáo dục công, y tế công. Người dân cần hiểu các dịch vụ công là quyền của họ vì họ đã đóng thuế cho nhà nước làm việc này, ví dụ như qua thuế VAT đánh vào hàng tiêu dùng hàng ngày như xà phòng, bàn chải đánh răng, tiền điện, tiền nước.

Bản thân tôi nói như vậy không phải là lý thuyết đâu. Thực tế theo các kết quả khảo sát của Hướng Tới Minh Bạch năm 2017 cho thấy trong tổng số 1,000 người dân tham gia khảo sát thì phải đến 37% người dân trả lời rằng “Từ chối đưa hối lộ là cách tốt nhất người dân có thể làm để chống tham nhũng”;  cũng theo khảo sát tương tự được tiến hành vào năm 2013, hơn ba phần tư người dân từng từ chối đưa hối lộ trả lời rằng họ không phải chịu hậu quả bất lợi gì hoặc có gặp phải một số vấn đề nhưng họ vẫn được phục vụ, tuy nhiên phải chờ đợi lâu hơn. Ngay cá nhân tôi sau 20 năm chờ đợi thì cũng nhận được sổ đỏ của mình cách đây hai năm. Có lẽ sổ đỏ của tôi bị “ngâm” lâu như vậy vì tôi không “lót tay” kể cả khi bị gợi ý. Nhưng cuối cùng tôi cũng có sổ đỏ.

Quay lại câu hỏi ở trên thì tôi có niềm tin vào người dân vì người dân Việt Nam có tinh thần lạc quan, lạc quan hơn rất nhiều so với người dân tại một số nước trong khu vực ASEAN. Ví dụ, chỉ có 15% trong tổng số 1,000 người dân Việt nam tham gia khảo sát Phong Vũ Biểu Toàn Cầu -GCB 2017 của TI/TT quan niệm là “dân thường không thể làm gì trong cuộc chiến chống tham nhũng”. Trong khi đó,  tỉ lệ này rất cao ở Myanmar (67%) và Thái lan (31%).

PPWG có sứ mệnh thúc đẩy sự tham gia của  người dân, thúc đẩy tinh thần công dân. Chị có  nghĩ PPWG có thể làm gì để góp phần vào việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam không?

Tôi tin vào tiếng nói và sức mạnh tâp thể của người dân. Trên thế giới nhiều phong trào xã hội thành công đều xuất phát từ sự tham gia và sức mạnh của công chúng. Tôi nghĩ, PPWG thúc đẩy sự tham gia của người dân và tinh thần công dân thì sẽ bao gồm việc xây dựng và thúc đẩy văn hoá không dung túng hối lộ , không dung túng và nuôi dưỡng tham nhũng.

PPWG sẽ có thể đưa ra một số hoạt động tăng cường nhận thức rằng người dân thường thôi nhưng họ có quyền được sống trong một môi trường lành mạnh phi tham nhũng. Họ có quyền được tiếp cận tới những dịch vụ công  ví dụ như giáo dục, y tế mà nhà nước đóng vai trò là người cung cấp mà họ không cần phải “đút tay” người cung cấp dịch vụ là những người đang hưởng lương từ một phần tiền thuế của dân. Tôi muốn nhấn mạnh thêm ý về việc người dân cần hiểu rõ rằng họ đang đóng thuế cho từng hoạt động mua bán nhỏ hàng ngày. Một lúc nào đó, thái độ phản kháng với hành vi tham nhũng, không đồng loã, không dung túng sẽ trở thành văn hoá, thành phong trào.

Tôi nghĩ rằng rất khó mà chúng ta có thể ngồi và thụ động chờ đợi các quan tham  “tay nhúng chàm” đem lại sự công bằng cho xã hội và phồn vinh cho đất nước. Người dân phải là người chủ động tạo ra sự thay đổi. Thay đổi là điều có thể. Tôi thấy PPWG có khả năng đóng vai trò thúc đẩy văn hoá mới này.

Xin cảm ơn chị!