Quyết định 217, 218/QĐ-TW tăng cường sự tham gia giám sát và phản biện xã hội

Hội nghị bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TWQuyết định 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khoá XII); Đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các Tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên do Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 7/6, tại tỉnh Thái Bình, với sự tham dự của đại biểu đại diện cấp ủy, chính quyền, Ban Dân vận, UB MTTQ 29 tỉnh thành từ Quảng Bình trở ra. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì hội nghị…

Tham luận tại hội nghị, đại biểu các tỉnh thành đều khẳng định, Quyết định số 217-QĐ/TW về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền do Bộ Chính trị ban hành, ra đời 3 năm trước là “rất trúng”, “rất đúng”, phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tiễn, nhằm phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Theo đó, trong 3 năm qua, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã có nhiều chương trình giám sát, hoạt động phản biện thiết thực hiệu quả. Trong đó, MTTQ Việt Nam đã chủ trì, triển khai 10 chương trình giám sát, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực thiết thực của đời sống như việc thực hiện chính sách với người có công; công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc quản lý, kinh doanh vật tư nông nghiệp…

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Ninh Bình cho biết: 3 năm qua, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện hai Quyết định quan trọng trên. Để Mặt trận và các tổ chức chính trị- xã hội tham gia giám sát, phản biện hiệu quả, Tỉnh uỷ chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội ngay từ đầu năm đăng ký nội dung giám sát, phản biện, qua đó tránh sự chồng chéo.

Cũng với mục đích tạo điều kiện để Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, người dân được tham gia giám sát, phản biện các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền mọt cách thuận tiện, hiệu quả, Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận trong tỉnh tăng cường thực hiện việc đối thoại.

Theo đó, thời gian qua ở Ninh Bình đã có hàng trăm cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với người dân; giữa lãnh đạo MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội với đoàn viên, hội viên, tập trung ở những địa phương, những cơ sở còn tồn tại những vấn đề nổi cộm, bức xúc, qua đó, chính quyền, Mặt trận có điều kiện lắng nghe, kịp thời giải quyết, giải thích những đề xuất, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Thực hiện xây dựng Nông thôn mới, ngoài 19 tiêu chí do Trung ương quy định, tỉnh quy định thêm 2 tiêu chí, đó là “được nhân dân hài lòng” và “phải kiểm soát được khả năng thanh khoản các khoản nợ”…

Nhìn nhận hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, các tầng lớp nhân dân giúp ích rất nhiều cho hoạt động của chính quyền, làm cho chính quyền vững mạnh hơn, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Các kỳ họp hàng tháng, chính quyền tỉnh đều mời đại diện Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia để chủ động nắm bắt tình hình, nhất là nắm bắt việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền. Chính quyền tỉnh cũng chủ động mời đại diện Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội tham gia hội đồng tiếp công dân. Hằng năm, giữa UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh đều ký kết chương trình phối hợp hoạt động.

“Nhiều công việc của chính quyền như giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo… nếu không có sự đồng hành, hỗ trợ của MTTQ, các đoàn thể chính quyền sẽ rất khó thực hiện”, ông Hậu chia sẻ.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nêu ý kiến: “Chính quyền xử lý công việc hàng ngày. Chính vì vậy, việc nắm bắt, kiến nghị giải quyết của Mặt trận, các đoàn thể cũng phải là việc hằng ngày, thường xuyên. Các đồng chí đi đâu, thấy vấn đề gì cứ phản ánh, kiến nghị, chính quyền sẽ chỉ đạo giải quyết luôn. Nếu cứ tích dồn lại nhiều vấn đề rồi mới phản ánh kiến nghị, chính quyền sẽ rất khó giải quyết” .

Cũng theo ông Đặng Huy Hậu, muốn làm tốt công tác giám sát, phản biện, cán bộ Mặt trận, cán bộ đoàn thể cũng phải nâng tầm, mạnh dạn, có bản lĩnh, dám nói, bám việc, bám thông tin. “Tham gia tập huấn rất cần thiết nhưng chưa đủ, phải chủ động đọc, nghiên cứu,tìm hiểu vấn đề”, ông nói.

Từ thực tế triển khai hai quyết định ở các địa phương, tại hội nghị, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện. Nổi lên là, nhiều cấp uỷ đảng, chính quyền ở địa phương chưa nhận thức hết vai trò, ý nghĩa tham gia giám sát, phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội cũng như của người dân.

Ở nhiều địa phương, chính quyền chưa chú trọng thực hiện phối hợp hoạt động với Mặt trận. Hiệu quả giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu còn hạn chế. Cơ chế, chế tài giám sát, phản biện hiện chưa rõ ràng. Nhiều địa phương, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể còn lúng túng trong việc lựa chọn nội dung giám sát, phản biện.

Tồn tại lớn nhất là, nhiều kiến nghị giám sát, phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội không nhận được hồi đáp, giải trình của chính quyền. Đơn cử, theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua tổ chức này đã thực hiện giám sát ở nhiều doanh nghiệp, qua giám sát, tổ chức Công đoàn đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến việc bảo đảm chính sách cho người lao động, nhất là vấn nạn doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm đóng bảo hiểm nhưng không nhận được hồi đáp từ các cơ quan có trách nhiệm.

Liên quan đến việc Mặt trận thực hiện việc kiểm tra đối với những người đứng đầu, theo đại diện MTTQ tỉnh Bắc Giang không nên đưa nội dung này vào, bởi lẽ Mặt trận, các tổ chức đoàn thể không có chức năng kiểm tra. Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, việc này đã có Ủy ban Kiểm tra Đảng thực hiện, Mặt trận chỉ nên thực hiện việc giám sát…

Đồng chủ trì, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, hiện MTTQ Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ đang xây dựng, chuẩn bị ban hành Nghị quyết liên tịch về giám sát và phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội và người dân.

Khi Nghị quyết liên tịch này được ban hành sẽ giúp Mặt trận, các thành viên, nhân dân có được một cơ chế rõ ràng hơn để thực hiện chức năng giám sát,phản biện của mình.

Ông Trần Thanh Mẫn cũng cho biết, MTTQ Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài chính về việc ban hành Thông tư hướng dẫn về tài chính phục vụ hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội, qua đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, lúng túng của các địa phương hiện nay về vấn đề này…

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhìn nhận: cuộc sống càng phát triển càng thấy rõ sự cần thiết của việc thực hiện các Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Để việc thực hiện hai Quyết định trên thu được kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới, theo bà Trương Thị Mai, yếu tố quyết định đầu tiên là phải có sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện của các cấp ủy Đảng. Bà lưu ý, Ban Dân vận các cấp cần làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy cùng cấp về công tác này.

Theo bà Trương Thị Mai, vấn đề quan trọng hiện nay là các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội và người dân phải nhận thức rõ được hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận, tổ chức chính trị-xã hội và người dân không có mục đích nào khác ngoài việc góp phần xây dựng Đảng, bộ máy chính quyền ngày càng trở nên trong sạch, vững mạnh, từ đó cùng có trách nhiệm tham gia phối hợp thực hiện.

“Đảng là người lãnh đạo nhưng cũng cần sẵn sàng lắng nghe. Chính quyền cũng vậy, cần có sự cầu thị, lắng nghe. Anh không sẵn sàng lắng nghe thì sẽ không có ai dám nói”, bà phân tích.

Cũng theo Trưởng Ban Dân vận Trung ương, quá trình thực hiện, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ. Xác định rõ Mặt trận làm gì? Các tổ chức chính trị- xã hội làm gì? Đặc biệt, để tham gia giám sát, phản biện hiệu quả, cán bộ Mặt trận, cán bộ các tổ chức chính trị xã hội vừa phải có năng lực vừa phải có bản lĩnh. Thiếu một trong hai yếu tố này không thể giám sát, phản biện.

Việc lựa chọn nội dung giám sát, phản biện cũng cần chú ý, không nên tràn lan và cần có sự linh hoạt. Phương thức, cách thức giám sát, phản biện cũng cần phù hợp, có thể tổ chức một buổi đối thoại, một hội nghị, một cuộc xuống tìm hiểu tại địa bàn. Trong mọi tình huống, dù khó khăn,phức tạp đến đâu thì việc đối thoại với người dân vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Bà Trương Thị Mai cũng lưu ý, các đề xuất, kiến nghị của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, người dân cũng cần phải phù hợp với điều kiện,tình hình của đất nước.

Nhìn nhận các cơ quan thông tin đại chúng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thông tin, giám sát, phản biện xã hội, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội cần phối hợp, tranh thủ sức mạnh của truyền thông để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn chức năng giám sát,phản biện xã hội của mình. Cuối cùng, theo bà Trương Thị Mai, việc giám sát, phản biện theo tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị cần phải đảm bảo 4 chữ “thực tâm, thực chất”.

“Thực tâm là hướng đến mục đích xây dựng Đảng, chính quyền, thực chất là phải đảm bảo tính hiệu quả”, bà nói.
Nguồn: daidoanket.vn Ảnh: hanoimoi.com.vn