Văn hoá Việt có dung dưỡng cho tham nhũng?

Một người làm quan cả họ được nhờ
Ảnh minh họa, nguồn: Báo Công Lý.

Tham nhũng thường bị chỉ trích như là một vấn nạn trong đời sống xã hội hiện nay, do nhiều nguyên nhân, từ cơ chế quản lý, kinh tế thị trường, chế độ cán bộ, lương bổng, sự thoái hoá biến chất..vv. Nhưng nếu nhìn từ góc độ văn hoá, dường như văn hoá Việt truyền thống cũng có sự dung dưỡng cho tham nhũng. Thứ nhất, tư duy truyền thống của người Việt là “tư duy nước đôi” (không quyết liệt, không quá cực đoan); các cặp giá trị đúng-sai, hay-dở không phân định hoàn toàn cố định (“chú khi ni, mi khi khác’), đúng ở chỗ này lại sai ở chỗ khác. Một số nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam (như Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm…). cho rằng tư duy này bắt nguồn từ đặc trưng văn hoá Nước, với ưu điểm là mềm dẻo, linh hoạt, dễ thích nghi, nhưng cùng với đó là nhược điểm tuỳ tiện, dễ thay đổi.

Thứ hai, người Việt được xem là có lối tư duy duy tình và cảm tính:“bên ngoài là lý, bên trong là tình”, “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, “giơ cao đánh khẽ”, “đánh người chạy đi, ai đánh người chạy lại”…Hệ quả là sự thiếu hiểu biết về luật pháp, nhờn pháp luật, dễ nhân nhượng (hoà cả làng) và “rút kinh nghiệm” (không ai chịu trách nhiệm, không có văn hoá từ chức)…Chính vì thế, đã có nhiều page facebook lập ra để kêu gọi xoá tội cho Đinh La Thăng. Đinh La Thăng xin về nhà ăn Tết cùng gia đình trước khi nhận phạt tù, hay Trịnh Xuân Thanh trong phiên toà, xin Tổng bí thư “mong bác tha thứ cho cháu cũng như người con, người cháu trong gia đình, tạo điều kiện để cháu được gặp bố mẹ, vợ con”.

Thứ ba là thói quen vun vén lợi ích cá nhân và ít quan tâm đến lợi ích công. Tham nhũng vặt trở thành một hành vi được chấp nhận, được biện minh bởi sự nghèo, lo xa “Ăn mày là ai, ăn mày là ta; Đói cơm rách nát hoá ra ăn mày”. Người Việt có thể ghét thói ăn cắp (của một cá nhân nào đó) nhưng dung thứ sự nhặt nhạnh những thứ không rõ thuộc về ai (của công/của thiên hạ) “cha chung không ai khóc” (quan niệm mình lấy không ai biết, mình không lấy đứa khác cũng lấy). Người dân có thể rất bất bình với việc ăn trộm chó, nhưng khá hững hờ với tài sản công (của mình thì giữ bo bo; của người thì thả cho bò nó ăn). Người dân có thể rất giữ gìn không gian riêng (trong nhà mình), nhưng lại vứt mọi thứ rác rưởi, chuột chết ra ngõ.

Thứ tư, có thể thấy người Việt đề cao lợi ích cộng đồng nhỏ, kể cả có thể tổn hại cộng đồng lớn. Ở VN cộng đồng được đề cao là quan hệ dòng tộc và “cộng đồng làng xã”, dựa trên sự quen biết và tình cảm. Con người được trông đợi phải hết lòng vì nhau khi họ là một cộng đồng mà tất cả mọi thành viên đều có mối quan hệ liên kết và tình cảm thân thiết (Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại). Điều này dẫn đến chỗ bao che tật xấu cho nhau, nâng đỡ nhau bất chấp năng lực, và lợi ích nhóm có cơ sở hình thành. Nhưng khi không quen biết thì trở nên vô cảm hay ích kỷ.

Cố kết cộng đồng gia tộc được coi là một giá trị quan trọng. Người thành đạt chính là nhờ “phúc ấm tổ tiên”, vì vậy khi “một người làm quan, cả họ phải được nh” (vinh thân phì gia), nhưng trách nhiệm “một người phạm tội, tru di tam tộc thì ít khi được vận dụng ngày nay. Với ảnh hưởng Nho giáo, con đường tiến thân buộc phải “tề gia” mới có thể “trị quốc”. Cho nên, trừ khi chiến tranh đe doạ cả dân tộc, còn khi hòa bình, người ta thấy nghĩa vụ phải vun vén cho gia đình: “con hơn cha, nhà có phúc”, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”; đối với họ hàng thì “chị ngã, em nâng”, “sổng cha còn chú, sảy mẹ bú dì”; “muốn cho lắm chị, nhiều anh cậy nh”. Vì vậy, những người làm lãnh đạo ở quê hương của mình cũng chịu nhiều sức ép lớn từ ý thức gia tộc, làng xã này. Mặt khác, trong xã hội truyền thống, tư tưởng nể vị, sùng bái người có học, có danh: thói háo danh, sĩ diện rất trội đi kèm với quỵ luỵ quan chức: “miệng nhà quan có gang có thép”; “con vua thì lại làm vua; con sãi nhà chùa thì quét lá đa”.

Như vậy, có vẻ như trong sự phán xét giá trị có tính truyền thống của người Việt, tham nhũng không thuộc phạm trù đạo đức. Nếu như ăn trộm bị coi là hành vi xấu xa đáng lên án, tham nhũng lại thường được lý giải có tính hợp lý trong từng bối cảnh. “Tham nhũng” có thể mang nhiều nghĩa khác nhau trong xã hội khác nhau: với người này có thể là “hối lộ”, với người khác thì có thể là “quà”, hoặc là “cảm ơn” vì giúp đỡ. Việc “một người làm quan cả họ được nhờ” với người này có thể là tham nhũng, với người khác lại được ngợi ca như hành vi chuẩn mực phải làm về mặt đạo đức. Để có vị thế làm quan, người ta phải cho “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, vì họ biết là “nén bạc đâm toạc tờ giấy”; Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế thị trường, đồng tiền càng có sức mạnh thống soát:”đồng tiền là tiên là phật; sức bật của tuổi trẻ, sức khoẻ của tuổi già”. Giải quyết tham nhũng là một việc khó, bởi nó liên quan đến những giải pháp có tính đồng bộ. Giải quyết tham nhũng lại càng khó khăn hơn khi nó được hậu thuẫn bởi văn hoá, với những quan niệm và thực hành đời sống hàng ngày của mỗi người dân. Việc khởi tạo những niềm tin và giá trị chung của tinh thần công dân là cần thiết để hướng đến một xã hội Việt Nam minh bạch và nói không với tham nhũng.

Tác giả: TS. Phạm Quỳnh Phương