Ở Việt Nam, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu tiên được luật hóa trong Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 do Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa X ban hành. Điều 14 trong Pháp lệnh quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai nhà, đất và các loại tài sản khác có giá trị lớn của mình. Người kê khai phải kê khai chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai”. Sau khi có Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/1998/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, trong đó có nội dung về kê khai tài sản (các văn bản ở thời điểm này chưa đề cập đến vấn đề kê khai thu nhập mà chỉ quy định kê khai tài sản). Nhìn chung, kê khai tài sản ở các văn bản pháp luật này còn đơn giản, chung chung, chưa đầy đủ, nhiều hạn chế.
Nguyên nhân của hạn chế, bất cập
– Trước hết, tổ chức tiến hành kê khai nhưng thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện hiệu quả việc kê khai. Việc hoạch định chính sách trong một nền công vụ trông chờ vào sự tự giác của cán bộ, công chức, viên chức mà chưa tính đến nền công vụ phải có kiểm soát mang tính cưỡng chế. Có nghĩa là, đã thực hiện tổ chức kê khai thì bắt buộc phải thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm tra, xác minh và đưa ra kết luận về bản kê khai.
– Nhiều người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa quan tâm đúng mức và chưa có trách nhiệm đến cùng với việc kê khai tài sản, thu nhập ở cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao phụ trách. Do đó, đơn vị chức năng tổ chức tiến hành việc kê khai một cách chiếu lệ, đối phó; những người có nghĩa vụ phải kê khai không quan tâm nội dung phải kê khai như thế nào cho đúng, cho trúng yêu cầu.
– Ý thức chấp hành về kê khai tài sản, thu nhập trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa cao, chủ yếu vẫn dựa trên tinh thần tự giác. Do nhiều lý do nên không ít người đã tìm kẽ hở của pháp luật cũng như cách thức tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập để kê khai đối phó hoặc không trung thực.
– Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức kê khai tài sản, thu nhập dường như còn bỏ trống. Thực tế nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị có tiến hành tổ chức việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng không tổ chức bộ phận thanh tra, giám sát việc thực hiện. Bên cạnh đó, cấp trên cũng không có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên.
– Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật về vấn đề kê khai tài sản, thu nhập còn bị xem nhẹ và chưa được quan tâm nhiều.
Nguồn: Ảnh: tuoitre.vn, Bài: tcnn.vn