Cơ chế hoạt động của Sáng kiến Đối tác Chính phủ mở (OGP)

OGP được điều hành bởi một Uỷ ban thường trực quốc tế gồm đại diện của các bên liên quan (multi-stakeholder international Steering Committee – sau đây gọi là Uỷ ban thường trực) – đóng vai trò là cơ quan chính điều phối các hoạt động của OGP. Hiện tại, Uỷ ban này bao gồm đại diện của 11 chính phủ và 11 tổ chức xã hội lớn đang hoạt động trên lĩnh vực này.[1] Uỷ ban bao gồm một chủ tịch là đại diện chính phủ, và ba đồng chủ tịch trong đó bao gồm đại diện một chính phủ khác có chức năng hỗ trợ cho chủ tịch (supporting (or incoming) government co-chair) và đại diện của hai tổ chức xã hội đóng vai trò là hai đồng chủ tịch còn lại.[2] Các chủ tịch và đồng chủ tịch được lựa chọn trong số đại diện của Uỷ ban.

Uỷ ban thường trực được hỗ trợ bởi Bộ phận Hỗ trợ OGP (OGP Support Unit) – đơn vị đóng vai trò như là Văn phòng thường trực của OGP. Ngoài việc cung cấp dịch vụ hành chính, Bộ phận này còn có chức năng tổ chức thực hiện các quyết sách của OGP. Nó cũng có vai trò giữ liên lạc và phối hợp giữa các bên liên quan của OGP trong các hoạt động của hệ thống.

OGP yêu cầu các quốc gia thành viên tham gia hai hình thức báo cáo (reporting) và đánh giá (assessment) để bảo đảm thực thi các cam kết.

Thứ nhất
, các quốc gia thành viên phải xây dựng và công bố một bản Báo cáo tự đánh giá hàng năm (Annual Self-assessment Report) trong đó chỉ ra thực trạng và những tiến bộ trong việc thực thi các cam kết về Chính phủ mở.

Thứ hai, tất cả các quốc gia thành viên OGP phải tham gia việc đánh giá hai năm một lần (bi-annual assessment) theo Cơ chế báo cáo độc lập (Independent Reporting Mechanism – IRM). IRM được thực hiện thông qua một báo cáo của các chuyên gia độc lập với mỗi quốc gia thành viên, trong đó đánh giá tình trạng xây dựng và thực thi các kế hoạch hành động, cũng như những tiến bộ trong việc thực hiện nguyên tắc Chính phủ mở ở mỗi quốc gia. IRM được định hướng bởi Uỷ ban thường trực nhưng không phải chịu trách nhiệm giải trình với Uỷ ban. Thay vào đó, có một Nhóm chuyên gia quốc tế (International Experts Panel – IEP) được bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm, sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của IRM.

Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên OGP cũng có nghĩa vụ đóng góp vào sự tiến triển của Chính phủ mở ở các quốc gia thành viên khác, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng, trợ giúp kỹ thuật, công nghệ cũng như các nguồn lực cần thiết khác.

[1] Danh sách thành viên của Uỷ ban thường trực quốc tế của OGP hiện nay như sau (Nguồn: http://www.opengovpartnership.org/ogp-steering-committee/membership):

[2] Hiện tại, Chủ tịch OGP là ngài Ayanda Dlodlo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nam Phi, Phó chủ tịch hỗ trợ là ngài Jean-Vincent Placé, Bộ trưởng phụ trách đơn giản hoá và cải cách hành chính của Cộng hoà Pháp.
Nguồn: http://www.opengovpartnership.org/ogp-steering-committee/membership