Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí tối thiểu để gia nhập Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở

Những tiến bộ về công khai ngân sách trong năm 2019 đã giúp Việt Nam đạt điểm tối đa cho tiêu chí cốt lõi Minh bạch ngân sách của Đối tác Chính phủ Mở (OGP) – sáng kiến đa phương nổi bật nhất trên thế giới nhằm thúc đẩy quản trị mở trên cơ sở minh bạch thông tin, tăng cường sự tham gia của người dân và ứng dụng công nghệ mới.

Theo kết quả Khảo sát công khai ngân sách (OBS) năm 2019, điểm xếp hạng của Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: minh bạch, sự tham gia của người dân và giám sát ngân sách. Đặc biệt, sự tăng điểm mạnh ở trụ cột công khai ngân sách đã góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách, đưa Việt Nam lên vị trí 77/117 nước. Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai. Trong đó, lần đầu tiên Việt Nam công bố đúng hạn 02 tài liệu quan trọng là Dự thảo Dự toán ngân sách trình Quốc hội và Báo cáo Kiểm toán ngân sách.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc điều hành của TT phát biểu tại Lễ công bố Chỉ số công khai ngân sách (OBI) Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2019

Với việc lần đầu tiên công bố đúng hạn 02 tài liệu quan trọng là Dự thảo Dự toán ngân sách trình Quốc hội và Báo cáo Kiểm toán ngân sách, điểm Minh bạch ngân sách của Việt Nam đã tăng từ 0 lên tối đa 4. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã đạt điểm tiêu chí cốt lõi tối thiểu (12/16) để gia nhập OGP. Kết quả này đã được Ban Thư ký của OGP chính thức công nhận và cập nhật vào kho dữ liệu theo dõi và đánh giá mức độ “mở” của các quốc gia trên thế giới. 

Việt Nam đã đáp ứng tiêu chí tối thiểu để tham gia OGP nhờ tăng điểm  ”minh bạch tài khóa”

Đây là một dấu mốc quan trọng đối với Việt Nam trong tiến trình tiến tới chuẩn quốc tế về “chính phủ mở” với các nguyên tắc bao gồm công khai, minh bạch, thực hành liêm chính, tăng cường sự tham gia của người dân và đổi mới công nghệ thông tin. Nó cũng cho thấy kết quả của những nỗ lực và các biện pháp cải cách mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện. TT và CDI tin rằng các nguyên tắc của chính phủ mở là nền tảng quan trọng thúc đẩy quản trị tốt, giúp phòng chống tham nhũng.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tiến trình cải cách để tăng cường công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản trị công, đồng thời nghiên cứu, xem xét khả năng Việt Nam tham gia sáng kiến OGP. TT và CDI sẵn sàng đồng hành cùng chính phủ và các bên liên quan trong tiến trình này.

Đối tác chính phủ Mở (OGP) là sáng kiến quốc tế nổi bật nhất hiện nay nhằm thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, trao quyền cho công dân, đấu tranh chống tham nhũng, và phát huy vai trò công nghệ thông tin hiện đại để cải thiện hoạt động quản trị nhà nước. Ra đời vào năm 2011, đến nay OGP đã có 79 quốc gia thành viên. Để gia nhập OGP, các nước phải đáp ứng 4 tiêu chí cốt lõi về Công khai ngân sách, Công khai Tài sản của cán bộ công chức, Tiếp cận thông tin và Sự tham gia của người dân và vượt qua kỳ đánh giá mức độ cam kết thực thi giá trị của OGP.

Khảo sát công khai ngân sách (OBS) là khảo sát đánh giá độc lập dựa trên bằng chứng, sử dụng các tiêu chí quốc tế về minh bạch ngân sách, trong đó có tính chủ động cung cấp thông tin về ngân sách của Chính phủ và khả năng tiếp cận thông tin ngân sách của công chúng; cơ hội chính thức cho công chúng tham gia vào quy trình ngân sách; và vai trò của các cơ quan giám sát ngân sách như cơ quan lập pháp và cơ quan kiểm toán trong quy trình ngân sách. Khảo sát OBS do Tổ chức Hợp tác Ngân sách Quốc tế (IBP) phối hợp với các tổ chức xã hội độc lập tại hơn 100 quốc gia trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) là đối tác của IBP thực hiện khảo sát OBS từ năm 2012 cho đến nay. Để biết thêm thông tin về Chỉ số công khai ngân sách 2019, tham khảo tại: https://bit.ly/OBI_2019_VN