Hướng dẫn xây dựng Chính phủ Mở: QUYỀN TIẾP CẬN THÔNG TIN

Giới thiệu

Về Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở

Trọng tâm của Sáng kiến Chính phủ Mở (Open Government Partnership – OGP) là các ý tưởng về tính minh bạch, sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình. Các khái niệm này được tạm thời định nghĩa như sau:

  • Minh bạch là việc người dân được biết về cơ chế làm việc của chính phủ
  • Tham gia là việc người dân có thể gây ảnh hưởng tới cơ chế làm việc của chính phủ bằng cách tham gia vào các hoạt động chính sách công và cung cấp dịch vụ công
  • Trách nhiệm giải trình là việc chính phủ chịu trách nhiệm trước người dân về việc thực hiện chính sách và cung cấp dịch vụ công
Tìm hiểu thêm về các định nghĩa tại www.opengovguide.com/glossary

Về quyền Tiếp cận Thông tin

Pháp luật về quyền thông tin (RTI), còn gọi là luật tự do thông tin hoặc luật tiếp cận thông tin, đưa ra quan điểm chung rằng tất cả các thông tin được nắm giữ bởi chính phủ phải được tiếp cận và phải có các cơ chế để người dân được tiếp cận thông tin.

Việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin sẽ hỗ trợ thúc đẩy quản trị tốt, xây dựng nền hành chính công hiệu quả, đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật, thúc đẩy các nỗ lực chống tham nhũng và cải thiện môi trường đầu tư. Dù có những bằng chứng cho thấy rõ các lợi ích mà quyền tiếp cận thông tin mang lại, tuy nhiên thực tế vẫn thiếu một hệ thống các biện pháp đánh giá các chính sách về quyền thông tin và đánh giá xem liệu bảo đảm quyền tiếp cận thông tin có giúp nâng cao tính minh bạch của chính phủ và tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết định không, nếu có thì như thế nào (Calland, 2010).

Một chính phủ mở, có trách nhiệm và cho phép sự tham gia của người dân hay không phụ thuộc vào việc công chúng có được tiếp cận thông tin do các cơ quan công quyền nắm giữ hay không. Quyền tiếp cận thông tin được bảo vệ thông qua việc đảm bảo quyền tự do biểu đạt được ghi nhận tại các công ước nhân quyền quốc tế. Điều này đã được công nhận bởi các tòa án nhân quyền quốc tế (Toà án Nhân quyền liên châu Mỹ và Tòa án Nhân quyền Châu Âu) và các cơ quan quốc tế hàng đầu (bao gồm bốn uỷ ban đặc biệt về quyền tự do ngôn luận tại Liên Hợp Quốc (UN), Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OAS), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và Ủy ban châu Phi về quyền con người và người dân, và Ủy ban pháp lý liên châu Mỹ) cũng như Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Mendel, 2008).

Một nguyên tắc quan trọng của quyền thông tin là ‘công khai tối đa’. Công chúng chỉ không được tiếp cận thông tin trong trường hợp thật cần thiết để tránh xâm hại đến một lợi ích hợp pháp và không ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng.

Tính đến tháng 6 năm 2013, đã có 95 quốc gia thông qua luật tiếp cận thông tin, đây là sự gia tăng đáng kể so với năm 1990 khi chỉ có 13 quốc gia có luật này. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy việc thông qua luật thường là nỗ lực cấp cao của các nhà hoạt động chính trị, nhưng thách thức chủ yếu là duy trì động lực chính trị cần thiết cho việc thực thi có hiệu quả (Dokania, 2013).

Về tài liệu này

Tài liệu hướng dẫn dài 38 trang này được xây dựng bởi Sáng kiến về Minh bạch và Trách nhiệm giải trình (TAI) nhằm hỗ trợ chính phủ các nước và các tổ chức xã hội dân sự trong việc nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia như một phần trong Đối tác Chính Phủ Mở. Tài liệu này nhấn mạnh các bước thực tiễn, cụ thể, có thể đo lường được và dễ thực hiện mà các chính phủ có thể và đang thực hiện để tăng cường chính phủ mở.

OGP Việt Nam biên dịch và hân hạnh giới thiệu.

Tải tài liệu tại ĐÂY.