Chống tham nhũng là một trong những mục tiêu được Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh trong vài năm gần đây. Trên thực tế, diễn ngôn của nhà nước về tham nhũng khá xuyên suốt, ngay từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Thậm chí, từ trước đó, ngay trong cuốn Đường cách mệnh xuất bản năm 1927, Hồ Chí Minh đã dành 2 điều trong 14 điều của “tư cách một người cách mạng” để viết về việc phải chống tư lợi: phải “vị công vô tư” (điều thứ 8) và không có “lòng tham muốn về vật chất” (điều thứ 14). Chủ nghĩa cá nhân (bao gồm tư lợi, tham ô và lãng phí), không quan tâm đến lợi ích tập thể, được chủ tịch Hồ Chí Minh coi là một trong ba kẻ thù của cách mạng.
Diễn ngôn chống tham nhũng của Nhà nước tiếp tục xuyên suốt các giai đoạn sau, và đặc biệt gần đây qua những phát ngôn mạnh mẽ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm cao trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên để người khác làm”; “cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được”.
Tuy nhiên, những quyết tâm và thành quả chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đạt được những năm gần đây vẫn còn bị nhiều người dân hoài nghi. Theo nghiên cứu “diễn ngôn về tham nhũng ở Việt Nam” của TS.Phạm Quỳnh Phương [2018], sự quyết liệt và nỗ lực xử lý triệt để, “không có vùng cấm” của Đảng lại đang bị nhiều người dân nhìn nhận như là những nỗ lực đánh bóng hình ảnh, củng cố quyền lực hay thanh trừng nội bộ. Người dân giải thích sự không tin của mình bởi nhiều lý do. Thứ nhất, họ không nắm được thông tin thực sự ở sau mỗi vụ tham nhũng được xử lý hay không được xử lý gần đây. Thứ hai, việc xử lý tham nhũng theo vụ việc nhỏ lẻ khiến cho người dân không tin vào một quyết tâm tổng thể, giải quyết tận gốc rễ. Thứ ba, cách thức bắt và xử lý tham nhũng trong một số trường hợp đem lại cảm giác bất an cho người dân, đặt câu hỏi về tính minh bạch và mục đích của chiến dịch. Thứ tư, người dân vẫn phải đối mặt với tham nhũng hàng ngày từ cấp chính quyền địa phương cho đến các cơ quan công quyền, thậm chí cả các cơ quan bảo vệ trật tự nên họ khó tin vào nỗ lực hiện tại.
Mất lòng tin đang là trạng thái tâm lý nổi bật trong đời sống xã hội Việt Nam. Đại biểu Dương Trung Quốc đã từng đề xuất về việc báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội về các kết quả làm được nên có thêm chỉ số đánh giá về “lòng tin”, bởi chưa bao giờ xã hội mất lòng tin như hiện nay. Mất lòng tin có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Hơn nữa, lòng tin có tác động hai chiều với tham nhũng, vì tham nhũng gây ra mất lòng tin và khi không có lòng tin thì người dân không tham gia vào chống tham nhũng, thậm chí họ còn tăng đưa hối lộ vì tin tham nhũng là phổ biến và không hối lộ thì không giải quyết được công việc của mình.
Như vậy, lòng tin có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội cũng như hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Để nâng cao lòng tin của người dân thì MINH BẠCH phải là chìa khoá. Chỉ khi Nhà nước minh bạch thì người dân mới biết được không có mâu thuẫn lợi ích trong cơ quan nhà nước, biết quá trình ra chính sách là vì công lợi chứ không phải tư lợi, hoặc mới biết ngân sách và tài sản công được sử dụng hiệu quả chứ không phải phung phí hay bị bỏ túi. Như vậy, MINH BẠCH chính là để có được LÒNG TIN của người dân.
MINH BẠCH ĐỂ TIN là một chiến dịch do Tổ chức Hướng tới Minh bạch khởi xướng với mục đích kêu gọi nhà nước xây dựng lòng tin trong nhân dân. Đồng thời, khuyến nghị nhà nước tập trung vào hành động để kiến tạo một chính phủ mở, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin, cùng hướng tới một xã hội chia sẻ, công bằng với những giá trị nhân văn tốt đẹp, cũng như tập trung nguồn lực vào phúc lợi xã hội cho nhân dân.
Bên cạnh đó, chiến dịch MINH BẠCH ĐỂ TIN đề xuất việc khởi tạo tinh thần công dân và ý thức về lợi ích công, chung tay cùng nhà nước xây dựng chính sách, khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động cộng đồng.
Mọi thông tin chi tiết về chiến dịch xin xem tại website: http://ogpvietnam.org