Theo Miller (1974), niềm tin chính trị (political trust) là một xu hướng đánh giá cơ bản dựa trên hiệu quả hoạt động của nhà nước để đáp ứng nhu cầu của người dân. Turper và Aarts (2017) dùng khái niệm này để chỉ mức độ tín nhiệm của người dân đối với các tổ chức chính trị. Niềm tin chính trị có vai trò quan trọng trong sự vận hành của một quốc gia, nó không chỉ thể hiện quan điểm của người dân đối với chính phủ hiện tại, mà còn quyết định môi trường chính trị nơi mà chính phủ đó vận hành. Khi người dân có niềm tin chính trị thấp, chính phủ phải hoạt động trong một môi trường thiếu thuận lợi, ít được người dân ủng hộ, do đó, khó mà thành công. Meer (2017) đã nêu ra năm yếu tố quyết định niềm tin chính trị của người dân trong một nước, đó là mức độ tham nhũng và nhận thức về công bằng, xã hội hoá chính trị, hiệu quả kinh tế vĩ mô, các tổ chức dân cử, và niềm tin xã hội.
Mức độ tham nhũng và nhận thức về công bằng
Mức độ tham nhũng phản ánh chất lượng của chính phủ một nước. Một chính phủ nơi các thực hành tham nhũng diễn ra phổ biến thường hoạt động thiếu hiệu năng và hiệu quả, cũng như thiếu vắng sự đắn đo đạo đức của các cán bộ công quyền. Tham nhũng càng lan sâu và rộng hơn khi thiếu vắng các cơ chế và thực hành nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình của nhà nước. Tham nhũng gây ra cảm giác bất an và tình trạng bất bình đẳng ở cả cấp vĩ mô (các chính sách được nhà nước thông qua) và cấp vi mô (việc thực hiện các chính sách ấy trên thực tế). Do đó, tham nhũng là một trong những nguyên nhân chính gây mất niềm tin chính trị trong dân chúng.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy mức độ tín nhiệm của người dân đối với chính phủ thường rất thấp ở những nơi có mức độ tham nhũng cao. Càng chứng kiến các hành vi tham nhũng và tăng nhận thức về tham nhũng, người dân càng mất niềm tin vào chính quyền. Ví dụ, những người từng phải hối lộ các quan chức nhà nước, cho rằng chính phủ tham nhũng, hoặc cho rằng chính phủ không có khả năng chống tham nhũng có xu hướng không tin tưởng vào chính quyền.
Mức độ tin tưởng của người dân đối với nhà nước cũng tỷ lệ thuận với mức độ tiếp xúc trực tiếp của họ với các nhà làm luật và các cán bộ nhà nước. Khi người dân được đối xử một cách bình đẳng và công bằng trong quá trình tiếp xúc này, họ có xu hướng dễ chấp nhận các quyết định mà chính quyền đưa ra hơn, từ đó tăng sự tin tưởng vào nhà nước và thể chế.
Xã hội hoá chính trị
Xã hội hoá chính trị chỉ các thể chế xã hội như trường học hay gia đình mà qua đó người dân, đặc biệt là các công dân trẻ học về các giá trị chính trị. Giáo dục được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc xác định niềm tin chính trị, từ đó quyết định mức độ dân chủ của một xã hội. Khi mức độ tham nhũng thấp, những người có học thức cao có xu hướng tin tưởng chính quyền nhiều hơn những người có học thức thấp. Ngược lại, khi mức độ tham nhũng cao, những người có học thức cao có xu hướng không tin chính quyền.
Theo Inglehart (1997), người dân trên thế giới ngày càng ủng hộ các hình thức dân chủ, nhưng niềm tin chính trị lại ngày càng suy giảm. Lý do là tăng trưởng kinh tế và hoà bình kéo dài cho phép các thế hệ gần đây bớt lo nghĩ về kinh tế hơn để hướng tới các giá trị như tự do và tự do biểu đạt. Họ mang tinh thần dân chủ hơn và hoài nghi việc tuân theo các hình thức quản trị nhà nước kiểu cũ. Norris (1999) gọi đây là làn sóng của các công dân phản biện. Họ có xu hướng đánh giá thực tế của một nền dân chủ khi trực tiếp trải nghiệm nó, dựa trên hiểu biết về các giá trị dân chủ nói chung và so sánh với các nền dân chủ phương Tây. Nói cách khác, niềm tin chính trị đã được thay thế bởi chủ nghĩa hoài nghi: các thể chế chính trị ngày càng được đánh giá dựa trên chính những gì mà chúng làm được.
Các yếu tố khác
Các thành tích của chính phủ từ lâu được coi là một trong các yếu tố chính quyết định niềm tin chính trị. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào thực sự chứng minh mối quan hệ giữa các kết quả vĩ mô khách quan và niềm tin chính trị. Meer cho rằng các thành tích kinh tế không phải là yếu tố then chốt, chúng là một điều kiện bổ sung để tăng cường niềm tin chính trị khi các yếu tố khác được đảm bảo.
Hoạt động của các tổ chức dân cử đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính đại diện và tính cân đối trong quá trình ra quyết định. Do chính phủ được bầu dựa trên nguyên tắc số đông, quyền của các nhóm thiểu số cũng như các quan điểm thiểu số có thể bị bỏ qua. Các tổ chức dân cử giúp cân bằng giữa nguyên tắc số đông và tính đại diện, tính cân đối trong việc đảm bảo quyền bình đẳng của tất cả các nhóm trong xã hội. Sự tồn tại và mức độ hiệu quả của các tổ chức dân cử tương quan trực tiếp với niềm tin chính trị. Cuối cùng, niềm tin chính trị phản ánh một phần niềm tin xã hội của cá nhân người công dân. Theo Zmerli và Newton (2016), những người tin tưởng chính quyền có xu hướng cũng tin tưởng gia đình, hàng xóm, và đồng bào của mình. Nhìn chung, niềm tin xã hội là điều kiện tiên quyết để người dân của một nước có niềm tin chính trị. Do đó, việc đầu tư vào các chương trình, chính sách nhằm kết nối cộng đồng là cần thiết để tăng niềm tin chính trị.
Tác giả: Quỳnh Tống