Lòng tin là một khái niệm được kiến tạo bởi xã hội. Lòng tin xuất hiện khi các bên có được một sự nhìn nhận tích cực về nhau và từ đó tạo ra một kết quả mong đợi (Wheeless và Grotz 1977, 251). Một người hay một tổ chức được tin cậy sẽ “thoát khỏi các lo âu và nhu cầu giám sát hành vi của đối tác” (Levi và Stoker 2000, 496). Theo quan niệm này, lòng tin làm giảm chi phí giao dịch trong các mối quan hệ xã hội, kinh tế và chính trị (Fukuyama 1995).
Lòng tin chính trị được hiểu như là kết quả của việc công dân đánh giá chính phủ, chính sách và các cơ quan hành pháp. Nói cách khác, lòng tin chính trị là “đánh giá của công dân về hệ thống nhà nước và các nhà chính trị đương nhiệm có thực sự vì lợi ích công, luôn làm điều đúng ngay cả khi không có sự giám sát trực tiếp hay không” (Miller và Listhaug 1990, 358).
Lòng tin chính trị, cũng như lòng tin cá nhân hay lòng tin xã hội được xây dựng chủ yếu bằng việc “giữ lời hứa” (Blinder 2000, 1431). Khi chính phủ đưa ra các chính sách để thực thi các “lời hứa” với người dân, khi chính sách thành công và đạt kết quả thì lòng tin được tạo ra. Ngược lại, nếu chính phủ đưa ra các chính sách và thường xuyên thất bại hoặc tạo ra hậu quả tai hại thì lòng tin sẽ biến mất. Nguy hại hơn là sự thiếu lòng tin thường tồn tại lâu dài và khó khắc phục (Porte and Metlay 1996, 345).
Lòng tin chính trị không sinh ra hoặc tồn tại trong chân không mà nó có liên quan đến lòng tin xã hội. Lòng tin xã hội được hiểu như sự tin tưởng lẫn nhau của các thành viên trong cộng đồng. Theo lý thuyết về vốn xã hội của Putnam, sự tham dự của người dân vào cộng đồng và lòng tin giữa các thành viên của cộng đồng sẽ góp phần làm tăng lòng tin xã hội của một quốc gia (1993, 1995a, 2000). Các tương tác trực tiếp của các thành viên không những giúp người dân biết nhau nhiều hơn ở mức độ cá nhân mà nó còn giúp lan tỏa cảm giác tích cực đối với người lạ trong xã hội và trong chính phủ. Có nhiều bằng chứng cho thấy những người không tham gia vào hoạt động cộng đồng thường có cái nhìn tiêu cực đối với chính phủ và các cơ quan nhà nước. Keele (2004) khẳng định vốn xã hội có ảnh hưởng đáng kể đến lòng tin vào chính phủ bên cạnh yếu tố hiệu quả của chính phủ.
Lòng tin chính trị và lòng tin xã hội có liên quan với nhau nhưng đang có nhiều ý kiến khác nhau về lòng tin nào sinh ra lòng tin nào. Những nhà lý thuyết theo trường phái hiện đại như Almond và Verba (1963) hay Finifter (1970) cho rằng việc tăng lòng tin xã hội thì làm tăng sự tham gia chính trị, đặc biệt trong bầu cử. Tăng sự tham gia chính trị là một biểu hiện của lòng tin chính trị. Các nhà xã hội học thì lại cho rằng thiếu lòng tin sẽ làm tăng sự tham gia chính trị và sau đó sẽ làm tăng lòng tin chính trị (Gamson 1968). Tarrow (2000), thì đi xa tới mức cho rằng các căng thẳng về chính trị, ví dụ như biểu tình hoặc các phong trào xã hội kiểu mới là biểu hiện của lòng tin vẫn còn hoạt động trong các nền dân chủ trưởng thành.
Tuy nhiên, có một số học giả cho rằng vốn xã hội thì làm tăng lòng tin xã hội nhưng không phải lúc nào lòng tin xã hội cũng chuyển hóa thành lòng tin chính trị. Ví dụ nghiên cứu của Veenstra (2002) cho thấy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự đã làm tăng lòng tin xã hội nhưng lại không làm tăng lòng tin chính trị ở Canada. Chính từ các nghiên cứu dạng này, các nhà nghiên cứu theo trường phái định chế mới (new-institutionalists) cho rằng không phải vốn xã hội tạo ra lòng tin chính trị mà ngược lại một chính phủ đáng tin mới tạo ra lòng tin giữa các cá nhân. Trường phái này cho rằng khi nhà nước có được lòng tin của người dân thì đất nước mới có cơ sở để phát triển trong hòa bình và hợp tác, và cuối cùng là một nền quản trị dân chủ (Fukuyama 1995, Levi 1997). Như vậy, mối quan hệ giữa lòng tin và quản trị tốt cũng như phát triển là có tính tương tác: trong khi lòng tin vào chính phủ và các đại diện của nó tạo ra quản trị tốt thì quản trị tốt ngược lại sẽ củng cố lòng tin vào chính phủ. Để tạo ra lòng tin, theo Peri K Blind (2006) chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị có thể thực hiện các chiến lược sau. Thứ nhất, thể hiện sự coi trọng chân thành với các lợi ích công cộng thông quan hành động chứ không chỉ lời nói. Điều này là lòng tin mang tính đạo đức và nó là nền tảng cho việc xây dựng lòng tin chính trị. Thứ hai, bảo vệ lợi ích của người dân trong mối tương quan với lợi ích công. Điều này là lòng tin kinh tế, nhấn mạnh vào sự hiệu quả kinh tế trong chính sách. Thứ ba, tăng cường lòng tin thông qua việc cải cách hành chính tạo sự minh bạch và dễ dàng cho người dân. Đây là lòng tin chính trị tập trung vào tính chính danh cũng như xóa bỏ tham nhũng. Tham nhũng và cảm nhận về tham nhũng rất có hại cho lòng tin chính trị và nó sẽ tốn nhiều thời gian để khôi phục. Thứ tư, đưa ra các chương trình cải cách xã hội và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự. Đây nhấn mạnh vào lòng tin xã hội nhằm tăng vốn xã hội. Cuối cùng là áp dụng công nghệ để làm cho chính phủ hiệu quả và dễ tiếp cận đối với người dân.
Tác giả: Bình Lê