Năm 2018 khép lại cho thấy những sự kiện được công luận quan tâm nhiều nhất là những đại án tham nhũng được mang ra xử và các khủng hoảng của ngành giáo dục và y tế.
Chưa bao giờ ở Việt Nam số vụ xử tham nhũng lớn đến vậy và động chạm đến những quan chức ở cả cấp trung ương và địa phương. Những cái tên như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa đều gắn với những vụ án tham nhũng, lạm quyền lớn. Những vụ xét xử này dường như đang thể hiện việc “lời nói đi đôi với việc làm” trong phòng chống tham nhũng. Về logic, người dân phải tin tưởng vào quyết tâm và nỗ lực chống tham nhũng của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam.
Theo nghiên cứu của TS. Phạm Quỳnh Phương [2018] thì vẫn có một sự xung đột về nghĩa giữa diễn ngôn của nhà nước và diễn ngôn của người dân. Diễn ngôn của Nhà nước thể hiện quyết tâm chống tham nhũng, thậm chí coi chống tham nhũng là “một trận chiến” chống “nội xâm” – tương đương với trận chiến chống ngoại xâm trước đây. Tuy nhiên, ngoài những ủng hộ trong xã hội về việc xử các vụ án tham nhũng lớn, vẫn còn người dân nghi việc bắt bớ chỉ là những vở diễn, những thanh trừng phe phái, và nhiều người còn không tin vào kết quả chống tham nhũng của nhà nước.
Về lý thuyết, việc người dân không tin vào nỗ lực và kết quả chống tham nhũng của nhà nước là biểu hiện của việc mất lòng tin chính trị. Khi mất lòng tin chính trị thì người dân không còn tin vào năng lực chống tham nhũng của nhà nước nữa, và từ đó không tin vào kết quả chống tham nhũng. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu quốc tế cho thấy khi đo cảm nhận về tham nhũng của người dân trong những xã hội mất lòng tin thì kết quả lại phản ánh sự mất lòng tin ấy chứ không phải là thực tế của tham nhũng. Nói cách khác, trong các xã hội mất lòng tin thì cảm nhận về tham nhũng của người dân cao hơn mức độ tham nhũng thực sự. Điều này có hại vì các kết quả chống tham nhũng không được ghi nhận bởi người dân, từ đó họ không tham gia thậm chí còn tiếp tay cho tham nhũng (bằng cách đưa hối lộ) vì tin tham nhũng là phổ biến.
Ngoài các vụ xử liên quan đến tham nhũng thì năm 2018 cũng là năm ngành y tế và giáo dục gánh nhiều “búa rìu dư luận”. Những vụ việc như 231 cái tát mà giáo viên bắt học sinh tát chính bạn học cùng lớp hoặc vụ Hiệu trưởng trường nội trú lạm dụng tình dục hàng loạt các học sinh Nam thể hiện chiều sâu của khủng hoảng giáo dục Việt Nam. Những vụ việc “thường ngày” như người nhà bệnh nhân kêu con họ chết oan vì sự tắc trách của y bác sĩ. Những cảnh bệnh viện quá tải hoặc chi phí chữa bệnh tăng cao vẫn luôn gây ra những bức xúc trong người dân.
Tuy nhiên, chiều sâu của sự bức xúc đối với y tế giáo dục lại được thể hiện qua một vụ việc tưởng chừng chẳng liên quan. Khi Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh bàn về việc dùng 1.500 tỉ đồng để xây nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm thì dư luận thực sự nổi sóng. Số lượng người dân đặt câu hỏi tại sao không sử dụng tiền này để xây bệnh viện vì bệnh nhân đang phải nằm chung giường và người nhà phải nằm dưới đất. Tại sao không sử dụng tiền này để xây trường vì học sinh đang phải học ở những nơi tạm bợ, phải chui vào túi nilong để vượt sông. Điều này cho thấy sự bức xúc về y tế và giáo dục luôn cháy âm ỉ và có thể bùng lên bất cứ khi nào.
Trong nghiên cứu về quan điểm của người dân về dịch vụ y tế và giáo dục của Đặng Vũ Hoài Nam và Lê Quang Bình [2018] thì người dân đang có nhiều lo lắng và mất dần lòng tin vào năng lực và quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các vấn đề y tế, giáo dục. Nhiều người dân cho rằng các chính sách hiện tại, đặc biệt thương mại hóa dịch vụ công đang làm tăng bất bình đẳng gây bất lợi cho người nghèo. Họ cho rằng nhiều người giàu và quan chức tham nhũng gửi con cái họ đi du học hoặc gửi người nhà họ ra nước ngoài khám, chữa bệnh. Nhiều người nghèo thì phải chịu nền giáo dục trì trệ và nền y tế quá tải với sự nhũng nhiễu, chất lượng thấp và đắt đỏ.
Rõ ràng LÒNG TIN là một điều kiện quan trọng để nhà nước tồn tại và hoạt động hiệu quả. Lòng tin cũng là cơ sở để thúc đẩy hợp tác và giảm chi phí trong các giao dịch kinh tế và xã hội. Chính vì vậy, việc khôi phục và củng cố lòng tin rất cần thiết.
Ở Việt Nam, việc tăng cường và củng cố lòng tin cần được làm qua hai tiến trình, một là minh bạch hóa hoạt động của nhà nước; hai là cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục cho mọi người dân.
Minh bạch hóa hoạt động Nhà nước đảm bảo người dân biết được được các quyết định của cơ quan công quyền đang phục vụ lợi ích nhóm hay lợi ích công. Nó tạo điều kiện để người dân giám sát và hạn chế các cá nhân và các nhóm lợi ích lạm quyền vì tư lợi. Chỉ khi có thông tin và được tham gia thì người dân mới có lòng tin. Việc vẫn có nhiều người dân nghi ngờ động cơ và kết quả của việc phòng chống tham nhũng là ví dụ điển hình cho việc thiếu minh bạch gây mất lòng tin lớn thế nào.
Tương tự như vậy, việc nhà nước đang có những chính sách thương mại hóa y tế và giáo dục sẽ tăng thêm bức xúc trong xã hội vì quá trình này làm tăng thêm khoảng cách giữa nhóm giàu và nhóm nghèo, tạo ra tham nhũng và nhũng nhiễu. Vụ người dân phản đối dùng 1500 tỉ để xây nhà hát giao hưởng ở Thủ thiêm là ví dụ điển hình cho thấy nguy cơ mất lòng tin và nguy cơ bất ổn xã hội lớn thế nào nếu dịch vụ y tế và giáo dục không được cải thiện cả về chất lượng và độ bao phủ toàn dân.
Như vậy LÒNG TIN cần là từ khóa, là mục đích và là động lực để cho Nhà nước hành động. Cụ thể, Nhà nước phải tiến hành minh bạch hóa hoạt động của mình, cung cấp thông tin cho người dân, tạo cơ chế để người dân tham gia. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đảo chiều các chính sách thương mại hóa dịch vụ y tế và giáo dục công, vì các chính sách này đang tăng bất bình đẳng, tăng bức xúc và làm mất lòng tin trong dân.
Hy vọng năm 2019 là năm của LÒNG TIN.
Tác giả: Bình Lê