Sau khi cố Tổng thống John Atta Mills ký cam kết gia nhập OGP vào tháng 9 năm 2011, kế hoạch triển khai OGP tại Ghana bị trì hoãn trong một thời gian dài. Phải mất rất nhiều thời gian để các bộ ngành liên quan nhận được thông tin về OGP.
Ông Emmanuel Kuyole, Viện Giám sát Doanh thu Ghana, chia sẻ: “Ban đầu, mọi người chỉ coi OGP là một sáng kiến mang tính đối ngoại. Khi hiểu rõ hơn về OGP, chúng tôi đã phải thực hiện rất nhiều hoạt động hậu trường, để rồi chỉ vài tuần trước thời hạn tháng 4 năm 2012, chính phủ đã triệu tập một cuộc họp với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới. Ban thư ký Cải cách Khu vực công (PSRS), trực thuộc Văn phòng Tổng thống, trở thành cơ quan đầu mối về OGP.”
Bà Effie Simpson Ekuban, Ban Thư ký OGP, kể lại: “Chúng tôi khẩn trương tập hợp một nhóm làm việc không thường xuyên, bao gồm đại diện của các cơ quan chính phủ liên quan và của xã hội dân sự, để soạn thảo một báo cáo gửi đến hội nghị OGP quốc tế tại Brasilia”. Mặc dù chính phủ không có đại diện tham dự, Vitus Azeem đến từ Sáng kiến Liêm chính Ghana đã đại diện cho xã hội dân sự tham gia cuộc họp này.
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ
Ngay sau hội nghị tại Brazil, trái bóng bắt đầu lăn và quá trình thành lập ban điều hành bắt đầu diễn ra. Chính phủ đã thực hiện chiến lược kép để tìm ra các đại diện cho khối xã hội dân sự, bao gồm tham vấn Liên minh xã hội dân sự và trực tiếp tiếp cận một số tổ chức xã hội dân sự để họ đề cử 10 đại diện vào ban điều hành có tổng cộng 20 thành viên. Bà Effie nói
“ Liên minh là một nhóm đáng tin cậy và tôi tin rằng phía xã hội dân sự ngày càng nhận ra họ sẽ tương tác với chính phủ hiệu quả hơn nếu hoạt động một cách có tổ chức.”
Đại diện cho xã hội dân sự trong Ban điều hành là các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực quản trị và minh bạch, Hội đồng Thiên chúa giáo và Hồi giáo tại Ghana. Các tổ chức này có trách nhiệm thông tin và lôi cuốn sự tham gia của những người thuộc lĩnh vực chuyên môn của họ. Theo Emmanuel quan sát, “Các tổ chức thành viên đều đặt trụ sở tại Accra, nhưng nhiều tổ chức có văn phòng và chi nhánh ở cấp khu vực và cấp tỉnh. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đạt được cân bằng giới trong các thành viên.” Sau sáu, bảy cuộc họp lập kế hoạch dự thảo, tất cả thành viên Ban điều hành đều tham dự một cuộc họp mặt kéo dài hai ngày bên ngoài Accra. “Chương trình giúp chúng tôi thực sự trở thành một đội trước khi bắt tay vào công việc,” Vitus nói.
Ban điều hành phân công Viện Quản trị Dân chủ xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động. Effie chia sẻ: “Với hỗ trợ tài chính từ Ngân hàng Thế giới, chúng tôi quyết định thuê một công ty tư vấn cùng thực hiện nhiệm vụ. Họ hợp tác chặt chẽ với chúng tôi, thu thập thông tin từ tất cả các thành viên. Như vậy, chúng tôi có thể tận dụng tối đa thời gian hiện có”. Với cuộc tổng tuyển cử ngày càng đến gần, thời gian thực hiện tham vấn tại ba khu vực đã bị rút gọn lại chỉ còn hai tháng, bắt đầu từ giữa tháng 10.
Bản kế hoạch này là sản phẩm của Ban điều hành và thực sự do chúng tôi làm chủ. Chúng tôi cảm thấy ý kiến đóng góp và kiến thức của mình được sử dụng và trân trọng. Vitus Azeem, Sáng kiến Liêm chính Ghana.
Các thành viên của ban điều hành được khuyến khích tham gia quá trình tham vấn tại địa phương. Đây là cơ hội để truyền đi thông điệp của OGP từ các cấp cơ sở, đồng thời thu thập ý kiến đóng góp về những cam kết đang được đề xuất. Mỗi sự kiện thu hút từ 40 – 60 người tham dự, đến từ các đảng chính trị, khu vực dịch vụ công, xã hội dân sự, truyền thông và các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa. Rất nhiều sự kiện có đông nhà báo tham dự.
Emmenuel nói:”Truyền thông chính thống vẫn hoạt động rất mạnh và có tầm ảnh hưởng ở Ghana, chúng tôi muốn các sự kiện công bố và họp báo của mình được đưa tin trên tất cả các báo, đài phát thanh và truyền hình”. Nhìn chung, Ban điều hành hài lòng với kết quả thu được, tuy nhiên số lượng người tham gia vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là do nguồn lực tài chính và thời gian đều hạn chế.
Vitus cho rằng: “Lẽ ra, chúng tôi nên tổ chức tham vấn ở cả 10 khu vực và thời gian tham vấn không nên diễn ra quá sát với ngày bầu cử như vậy.”
Sau quá trình tham vấn, Ban điều hành tổ chức hội thảo tại thủ đô để sàng lọc các ý kiến đóng góp trước khi hoàn thiện bản Kế hoạch hành động cuối cùng. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của nhiều đối tác phát triển và các tổ chức xã hội dân sự quan trọng, nhưng sự tham gia của các cơ quan chính phủ không thực sự đáng kể. Effie giải thích “Vào thời điểm này, cuộc bầu cử đang diễn ra cao trào, nhiệm vụ hàng đầu của nhiều cán bộ nhà nước là tập trung sức lực hỗ trợ các lãnh đạo của họ – những người cũng đang rất bận rộn với những việc khác.” Tương tự, các tổ chức xã hội dân sự làm việc trong lĩnh vực quản trị cũng phải tham gia sâu rộng vào việc giám sát toàn bộ quá trình bầu cử. Từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 1 sẽ chỉ thực hiện được rất ít hoạt động, do Tổng thống mới vừa nhậm chức và văn phòng của ông vừa mới bắt đầu nhận nhiệm vụ. Quốc vụ khanh vẫn giữ vai trò giám sát việc thực hiện OGP, để đảm bảo thông tin liên tục trong quá trình chuyển giao giữa văn phòng tổng thống cũ và mới.
Trong khi chưa có đánh giá chính thức về tiến trình tham vấn, cả xã hội dân sự và chính phủ đều thấy đây là cơ hội tốt để phát triển và đánh giá ý tưởng của ban điều hành khi triển khai chúng trong thực tế.
Bản kế hoạch hành động đề ra những hoạt động do chính phủ thực hiện, cùng với sự hỗ trợ quan trọng từ xã hội dân sự. Đến nay, toàn bộ tiến trình là kết quả của nỗ lực hợp tác giữa hai bên, và đối với chính phủ, sự hợp tác này đã tạo ra những ảnh hưởng rất tích cực. Vitus chia sẻ ”Bản kế hoạch này là sản phẩm của ban điều hành và thực sự do chúng tôi làm chủ. Chúng tôi cảm thấy ý kiến đóng góp và kiến thực của mình được sử dụng và được trân trọng”.
Sau khi Ban điều hành OGP ký thông qua bản Kế hoạch hành động, kế hoạch sẽ chính thức được thực hiện. Một trong những vấn đề đặt ra là việc xét duyệt tư cách của các thành viên trong ban điều hành. Effie nhấn mạnh: “Các thành viên phải tham gia thường xuyên. Những người không tham gia sẽ được thay thế hoặc cho thôi nhiệm vụ”. Ban điều hành cũng đang cân nhắc khả năng huy động sự tham gia của truyền thông theo một cách chiến lược và hệ thống; và xem cách thức mà truyền thông đang sử dụng để củng cố sự tham gia, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Mục tiêu thứ hai là phổ biến bản Kế hoạch hành động tới các đối tác phát triển, đặc biệt là những tổ chức có hoạt động liên quan tới cải cách trong khu vực công, và các bên liên quan khác.
Tiến trình tại Ghana tuy có khởi đầu khá chậm chạp, nhưng đã tôn trọng các nguyên tắc hợp tác và đảm bảo sự tham gia toàn diện. Thiện chí hợp tác của đôi bên được thể hiện rất rõ ràng. Cả xã hội dân sự và chính phủ đều hiểu rõ: nếu muốn tối đa hóa lợi ích, đôi bên đều phải hết sức nỗ lực. Effie nhận định, “Chúng tôi hiểu ra rằng: để bộ máy OGP vận hành trơn tru và hiệu quả, cần có đủ các yếu tố: sự cam kết của chính phủ rất quan trọng, sự tham gia của xã hội dân sự là cần thiết và ban điều hành có đầy đủ nguồn lực và thực sự làm việc là mắt xích cốt yếu của cỗ máy này”.
Nguồn: https://www.opengovpartnership.org/ Ảnh: @thebteamhq