Kê khai tài sản, thu nhập được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng. Trong thời gian qua việc kê khai tài sản, thu nhập ở Việt Nam đang ngày càng được hoàn thiện về hành lang pháp lý, đạt được những kết quả bước đầu trong thực tế triển khai. Tuy nhiên, việc kê khai tài sản, thu nhập ở Việt Nam vẫn chưa đạt được mục đích và sự kỳ vọng của xã hội.
Kê khai tài sản, thu nhập vẫn còn rất hình thức và mang tính đối phó. Việc kê khai tài sản, thu nhập cần được nhìn nhận và thực thi một cách nghiêm túc với nhiều giải pháp.
Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập là một vấn đề không chỉ có ở Việt Nam mà được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Pháp luật của nhiều nước quy định công chức, nhất là công chức giữ vai trò lãnh đạo, quản lý phải thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Thời điểm kê khai tài sản, thu nhập ở mỗi nước khác nhau như: trước khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử; sau khi tuyển dụng, đề bạt, bầu cử; kê khai hàng năm và công bố công khai kết quả kê khai cho người dân biết.
Ở Việt Nam, việc kê khai tài sản, thu nhập lần đầu tiên được luật hóa trong Pháp lệnh chống tham nhũng năm 1998 do Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa X ban hành. Điều 14 trong Pháp lệnh quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai nhà, đất và các loại tài sản khác có giá trị lớn của mình. Người kê khai phải kê khai chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai”. Sau khi có Pháp lệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/1998/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh, trong đó có nội dung về kê khai tài sản (các văn bản ở thời điểm này chưa đề cập đến vấn đề kê khai thu nhập mà chỉ quy định kê khai tài sản).
Nhìn chung, kê khai tài sản ở các văn bản pháp luật này còn đơn giản, chung chung, chưa đầy đủ, nhiều hạn chế. Sau này Quốc hội, Chính phủ và các ngành chức năng đã xây dựng, bổ sung nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc kê khai tài sản, thu nhập.
Nguồn: http://tcnn.vn; Ảnh: Dantri.com.vn