Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về kê khai tài sản, thu nhập. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số văn bản như Luật phòng, chống tham nhũng (năm 2005); Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ; Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP ngày 03/7/2007 của Thanh tra Chính phủ và Thông tư số 01/2010/TT-TTCP ngày 22/4/2010 sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 2442/2007/TT-TTCP về xác định rõ đối tượng phải kê khai tài sản; Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Nghị định số 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản…
Các văn bản này đã từng bước tạo hành lang pháp lý khá toàn diện về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền nắm được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai; phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức và góp phần vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện một số quy định liên quan đến những vấn đề như con cái đã thành niên không nằm trong diện kê khai; đối tượng trong diện phải xác minh; trách nhiệm của người đứng đầu… Các quy định cần chặt chẽ, nội dung trách nhiệm rõ ràng và không tạo kẽ hở dẫn tới việc kê khai tài sản, thu nhập mang tính hình thức như hiện nay.
Thứ hai, đẩy mạnh việc quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và của người dân về thực hiện quy định minh bạch tài sản, thu nhập. Cần có chế tài ràng buộc trách nhiệm đối với người đứng đầu; nếu việc kê khai tài sản, thu nhập mang tính hình thức, đối phó, người đứng đầu phải chịu kỷ luật. Khi người đứng đầu quan tâm, chủ động, trách nhiệm và gương mẫu thì công tác này sẽ đi vào nền nếp, thực chất, hiệu quả. Các đối tượng thuộc diện kê khai cần tự giác và có trách nhiệm hơn trong việc kê khai cũng như giám sát các đối tượng khác. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quán triệt các văn bản quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm giám sát của toàn xã hội về chủ trương phòng, chống tham nhũng thông qua việc giám sát tài sản, thu nhập.
Thứ ba, kê khai phải triệt để, công khai. Không để tình trạng kê khai xong cất vào hộc tủ, ngăn kéo. Vấn đề là chọn hình thức công khai hợp lý mà vẫn bảo đảm tính khách quan, hiệu quả (niêm yết bản kê khai hoặc công bố trong cuộc họp). Bản niêm yết kê khai không cần đưa nguyên bản mà chỉ cần những số liệu tổng hợp chủ yếu trong bản kê khai (bộ phận chức năng chịu trách nhiệm tổng hợp lại có sự xác nhận của thủ trưởng đơn vị). Muốn vậy, kê khai phải có kiểm tra, tổng hợp và xác nhận. Việc đánh giá tính trung thực của bản kê khai phải được tiến hành qua xác minh thực tế. Thực hiện tốt việc công khai sẽ góp phần yêu cầu người kê khai phải trung thực và nghiêm túc hơn trong nội dung kê khai của mình.
Thứ tư, việc kiểm tra, xác minh để kết luận bản kê khai trung thực hay không trung thực là việc cần phải làm, dù cho không phải năm nào cũng điều tra, xác minh với mọi đối tượng có trách nhiệm phải kê khai (vì không thể đủ nguồn lực và thời gian để làm). Do đó, bên cạnh các trường hợp cần xác minh theo quy định của pháp luật, cần tiến hành xác minh ngẫu nhiên một số trường hợp. Việc này có tác dụng nhắc nhở mọi đối tượng phải có trách nhiệm kê khai đúng, đủ, trung thực; hạn chế việc kê khai chiếu lệ, đối phó, gian dối. Kết luận tính trung thực của bản kê khai cần ít nhất dựa vào 3 nguồn: bản tự kê khai; kết quả của bộ phận chức năng điều tra, xác minh nội bộ; kết quả của đơn vị độc lập (tổ chức điều tra có uy tín, có hợp đồng bảo mật với cơ quan, đơn vị).
Thứ năm, kiên quyết thực hiện việc xử lý tài sản, thu nhập được kê khai không trung thực khi bị phát hiện.Theo quy định, người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, sau khi xác minh, điều tra có kết luận thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, số tài sản không giải trình được cũng phải được xử lý một cách kiên quyết, nghiêm túc. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia ghi rõ: tài sản không giải trình được, bất minh là phải tịch thu. Thực tế việc xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý, không chứng minh được rõ ràng nguồn gốc hợp pháp chưa được chú trọng, còn tình trạng giải quyết không dứt điểm. Cần quy định và quyết tâm thực hiện việc tịch thu những tài sản thu nhập bất minh.
Thứ sáu, triển khai thực hiện tốt 5 yêu cầu trong Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập.Theo đó, cần thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của Đảng, Nhà nước; thực hiện nghiêm túc việc kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập với các trường hợp theo quy định cần kiểm tra, xác minh theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiến hành thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập sát với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Nguồn: Ảnh: internet; Bài: tcnn.vn