Bangladesh: A2I thúc đẩy đổi mới

Bangladesh là nước nam Á có dân số lớn thứ 8 trên thế giới (gần 160 triệu). Quốc gia này có dân số trẻ, với 50% dân số dưới 24 tuổi, được đánh giá là tiềm năng cho phát triển công nghệ. Đến cuối 2017, Bangladesh có khoảng 140 triệu dân sử dụng thiết bị di động, khoảng 80 triệu dân dùng internet. Bangladesh được WB đưa vào nhóm nước thu nhập trung bình thấp năm 2014, đặt mục tiêu đến 2021 sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình.

Trong chương trình nghị sự  2021, năm 2007 chính phủ Bangladesh đã thành lập Văn phòng Nghiên cứu Dịch vụ Công A2I (Access to Information) với sự hỗ trợ của UNDP nhằm khai thác sức mạnh của kỹ thuật số để cải thiện dịch vụ công.

A2I thúc đẩy số hóa các dịch vụ của chính phủ, thành lập hơn 5.000 Trung tâm kỹ thuật số trên cả nước hỗ trợ người dân truy cập Internet. Kết quả là công dân có thể truy cập vào hàng trăm dịch vụ công và tư miễn phí, như đăng ký đất đai, khai sinh, khám chữa bệnh từ xa, bảo hiểm nhân thọ, hộ chiếu, , dịch vụ tài chính di động, thương mại điện tử nông thôn, đào tạo nghề …. A2I cũng phân tích và thiết kế lại luồng công việc trong và giữa các Bộ để giảm thiểu các thủ tục không cần thiết và tối ưu hoá trao đổi thông tin.

A2I đặt tham vọng xa hơn là việc số hoá dịch vụ công. Nó đang phát triển một nền văn hoá đổi mới ở Bangladesh nhằm thay đổi tư duy của công chức, đưa công dân vào trung tâm của sự đổi mới này. Anir Chowdhury, cố vấn chính sách của chương trình cho biết, yếu tố “thấu hiểu/đồng cảm” (empathy) được coi là nguyên tắc cốt lõi của chương trình vì nếu thiếu các dịch vụ công không được thiết kế dựa trên với sự thấu hiểu người sử dụng,  chúng sẽ vô ích hoặc thậm chí có hại.

Phương pháp đồng cảm của A2I là sắp đặt để các nhà quản lý“vi hành” độc lập trong vai người dân thường sử dụng một dịch vụ công không nằm trong phạm vi quản lý của họ, qua đó phát hiện vấn đề vướng mắc và đề xuất những ý tưởng cải thiện. Đã có hơn 600 sáng kiến và thử nghiệm trong các lĩnh vực y học, giáo dục, nông nghiệp, đất đai, nhân quyền…ra đời nhờ phương pháp này.

Đơn cử, Bangladesh có hơn 30 triệu học sinh và gần 1 triệu giáo viên tiểu học và trung học, hơn 120.000 trường. Việc đào tạo giáo viên lâu nay vẫn được tổ chức trực tiếp trong khi CSHT và nguồn lực ngành GD rất hạn chế. Điều này có nghĩa mỗi giáo viên phải mất 5-6 năm để cập nhật kiến thức và kỹ năng. Một giáo viên phụ trách sau khi tham gia tập huấn A2I đã  đưa ra ý tưởng xây dựng một nền tảng trực tuyến kết nối các giáo viên, chuyên gia giáo dục để họ chủ động chia sẻ nhu cầu hỗ trợ, kinh nghiệm và kiến thức.  ‘Cổng thông tin giáo viên’ đã sau một thời gian thành lập đã thu hút hơn 150.000 giáo viên tham gia tích cực.

Trực thuộc Văn phòng TTg song A2I làm việc sâu với chính quyền địa phương các cấp thúc đẩy các sáng kiến và nhân rộng quy mô áp dụng những đổi mới này. “Cổng thông tin giáo viên” nêu trên cho thấy một ý tưởng từ địa phương đã trở thành một sáng kiến tầm quốc gia.

Giá trị đổi mới và cải thiện dịch vụ công mà A2I mang lại nếu quy ra tiền, có thể đáng giá đến hàng nghìn tỉ USD trong nhiều năm. UNDP đánh giá cao A2I và đang xem xét nhân rộng ở một số quốc gia như Maldives, Bhutan. A2I cũng trở thành sáng kiến điển hình trong mạng lưới hợp tác Nam Nam.
Nguồn: https://bit.ly/2HAIQHf
Tham khảo: http://a2i.pmo.gov.bd/