Mâu thuẫn lợi ích luôn có thể phát sinh trong mọi cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và tổ chức. Nếu không được kiểm soát, mâu thuẫn lợi ích sẽ dẫn đến tham nhũng. Mâu thuẫn lợi ích và tham nhũng là nguyên nhân trọng yếu cản trở sự phát triển của quốc gia vì nó gây ra lãng phí nguồn lực, bất công và bất bình đẳng xã hội.
Mỗi xã hội có những cơ chế khác nhau để kiểm soát mâu thuẫn lợi ích, nhưng tựu trung lại có thể đưa vào hai nhóm: thiết kế thể chế và xây dựng văn hóa. Về thể chế, các nước phương Tây như Hoa Kỳ và Châu Âu sử dụng nguyên tắc tam quyền phân lập (chia tách các nhánh quyền lực lập pháp, tư pháp và hành pháp), pháp quyền (tòa án độc lập) và giám sát xã hội (báo chí tự do và xã hội dân sự độc lập) để kiểm soát quyền lực, phát hiện mâu thuẫn lợi ích, tham nhũng. Nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore cũng học tập và áp dụng các nguyên tắc này thành công, giúp cho họ kiểm soát được mâu thuẫn lợi ích và tham nhũng để cất cánh thành các quốc gia phát triển.
Bên cạnh việc thiết kế thể chế thì việc xây dựng văn hóa tôn trọng lợi ích công rất quan trọng. Thể chế và văn hóa như hai mặt của một đồng xu, tương tác và quyết định hình thức tồn tại của nhau. Khi nhà nước hoạt động vì công lợi, loại bỏ lợi ích nhóm và tham nhũng thì người dân sẽ tin vào các chính sách và tuân thủ pháp luật. Khi đó xã hội xây dựng được văn hóa coi trọng lợi ích công. Điều này tạo cơ sở để toàn xã hội vận hành trơn tru, hiệu quả và hướng tới mục đích chung. Ngược lại, khi nhà nước hoạt động phục vụ cho lợi ích của một nhóm cầm quyền và gây hại cho công lợi thì người dân sẽ không tin vào nhà nước và không tuân thủ chính sách và coi thường pháp luật. Khi đó xã hội không có văn hóa dân chủ, tuân thủ pháp luật, bạo lực sẽ phân tán và xã hội sẽ rối loạn, văn hóa bị suy đồi.
Việt Nam đang trong quá trình học hỏi và trải nghiệm để xây dựng thể chế nhằm kiểm soát lợi ích nhóm và tham nhũng. Các nguyên tắc mà các nước phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc đã áp dụng thành công chưa được áp dụng ở Việt Nam do bối cảnh chính trị chỉ có một đảng đang cầm quyền. Bên cạnh đó, văn hóa xã hội Việt Nam đang có nhiều khác biệt làm cho việc áp dụng các nguyên tắc này càng khó khăn hơn.
Trong nghiên cứu “Diễn ngôn về tham nhũng ở Việt Nam” TS. Phạm Quỳnh Phương có viết “người Việt đề cao lợi ích cộng đồng nhỏ, kể cả có thể tổn hại công đồng lớn. Ở Việt Nam cộng đồng được đề cao là quan hệ dòng tộc và “cộng đồng làng xã”, dựa trên sự quen biết và tình cảm. Con người được trông đợi phải hết lòng vì nhau khi họ là một cộng đồng mà tất cả mọi thành viên đều có mối quan hệ liên kết và tình cảm thân thiết (Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại). Điều này dẫn đến chỗ bao che tật xấu cho nhau, nâng đỡ nhau bất chấp năng lực, và lợi ích nhóm có cơ sở hình thành. Nhưng khi không quen biêt thì trở nên vô cảm hay ích kỷ.
Cố kết cộng đồng gia tộc được coi là một giá trị quan trọng. Người thành đạt chính là nhờ “phúc ấm tổ tiên”, vì vậy khi “một người làm quan, cả họ phải được nhờ” (vinh thân phì gia). Với ảnh hưởng Nho giáo, con đường tiến thân buộc phải “tề gia” mới có thể “trị quốc”. Cho nên, trừ khi chiến tranh đe doạ cả dân tộc, còn khi bình, người ta thấy nghĩa vụ phải vun vén cho gia đình: “con hơn cha, nhà có phúc”, “hy sinh đời bố, củng cố đời con”; đối với họ hàng thì “chị ngã, em nâng”, “sổng cha còn chú, sảy mẹ bú dì”; “muốn cho lắm chị, nhiều anh cậy nhờ”. Vì vậy, những người làm lãnh đạo ở quê hương của mình cũng chịu nhiều sức ép lớn từ ý thức gia tộc, làng xã này để có chích sách “ưu tiên” người nhà hoặc quê hương”.
Chính vì nền tảng văn hóa này nên nhiều khi các mâu thuẫn lợi ích không bị coi là nghiêm trọng và cần bị loại bỏ. Nhiều người cho rằng giá trị đạo đức của việc chăm lo cho người nhà, người quen, người thân quan trọng hơn giá trị đạo đức trong việc tuân thủ pháp luật, lợi ích công hoặc nguyên tắc bình đẳng xã hội.
Trong bối cảnh này, việc cải cách thể chế và thay đổi văn hóa ở Việt Nam cần phải đi song song với nhau. Nhà nước có nhiều việc phải làm, nhưng thay đổi thể chế theo hướng kiểm soát quyền lực, tôn trọng pháp quyền, thúc đẩy giám sát xã hội nên là việc khởi đầu vì nó tạo ra niềm tin chính trị vào nhà nước. Khi có niềm tin chính trị thì nhà nước mới hoạt động hiệu quả và từ đó góp phần vào hình thành văn hóa tôn trọng pháp luật, dân chủ và vì lợi ích công. Xã hội cũng cần tạo ra sự đồng thuận, ủng hộ nhà nước tiến hành các thay đổi thể chế, góp phần thúc đẩy hình thành văn hóa coi trọng lợi ích công, tuân thủ pháp luật, loại bỏ mâu thuẫn lợi ích và tham nhũng. Xã hội chỉ làm được điều này khi các tổ chức xã hội dân sự, các hiệp hội cùng nhau thúc đẩy cho các giá trị này.
Như vậy, cả nhà nước và xã hội cần phải hợp tác để cải cách thể chế cũng như biến đổi văn hóa. Trong nhiều cách tiếp cận, Chính phủ mở (Open government) là một cách tiếp cận cần được tham khảo vì nó để cập cả về việc cải cách thể chế trong mối quan hệ với các giá trị xã hội. Đặc biệt, Chính phủ mở nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa nhà nước và xã hội dân sự – hai thành phần quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách thể chế và thay đổi văn hóa để tạo ra điều kiện cần và đủ trong việc kiểm soát mâu thuẫn lợi ích và tham nhũng.