Bojonegoro vốn là huyện nghèo thứ 3 của tỉnh Đông Java, với 1,2 triệu dân, tình trạng phúc lợi công cộng rất thấp, ngân sách hạn chế, nợ công cao. Nhận thấy vấn đề mất lòng tin của người dân vào chính quyền là một rào cản đối với phát triển và hợp tác, năm 2008, Bojonegoro đã tiến hành cải cách thông qua việc thực hiện chính quyền mở.
Một trong những cải cách đầu tiên nhằm đến mục tiêu tăng kết nối công chúng với chính quyền, thông qua một sáng kiến truyền thông công cộng có tên Dialog Publik (Đối thoại Công khai) diễn ra vào thứ 6 hàng tuần. Qua kênh này, người dân có thể gửi các khiếu nại hay đề nghị và chính quyền sẽ trả lời trực tiếp. Kênh đối thoại này được phát sóng trực tiếp, thu hút sự tham gia của cả chuyên gia, doanh nghiệp và các tổ chức XHDS.
Bojonegoro cũng là một trong số ít địa phương thử nghiệm và lồng ghép LAPOR vào hệ thống giám sát quản trị của địa phương, đây một kênh online cho phép người dân gửi khiếu kiện lên cấp TW hoặc địa phương.
Bên cạnh đó, Bojonegoro cũng tiên phong đăng công khai các hợp đồng mua sắm và dịch vụ công.
Sau 8 năm thực hiện, các chỉ số phát triển của địa phương (nghèo đói, tuổi thọ, tốt nghiệp phổ thông, không gian xanh cho cộng đồng…) đều được cải thiện. Khảo sát tháng 11/2017 của IRI, một tổ chức quốc tế về thúc đẩy dân chủ, cho biết 94,17% người dân Bojonegoro cảm thấy hài lòng với chình quyền của họ.
Chính quyền địa phương đã học theo mô hình phát triển bền vững hiện đại, gồm 6 trụ cột: tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, hình thành vốn xã hội, năng lực về tài chính, quản trị dựa trên internet và quản lý sự thay đổi.
Bojonegoro trở thành case điển hình của Indonesia về áp dụng sáng kiến chính phủ mở cấp địa phương và được chọn là 1 trong số 15 thành viên cấp địa phương của OGP. Huyện này cũng đã công bố kế hoạch hành động chính quyền mở gồm 5 nội dung: 1. Cải cách về dữ liệu (Bojonegoro xuất bản công khai hệ thống dữ liệu của địa phương, người dân có thể đóng góp trực tiếp. Dữ liệu cũng được sử dụng cho quá trình lập ngân sách ở cơ sở), 2. Tăng cường trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương từ cấp cơ sở ( Huyện đã ban hành quy chế về quản lý quỹ cấp thôn bản, đồng thời trao quyền cho cộng đồng tham gia vào việc lập kế hoạch, thực hiện, giám sát và đánh giá của chính quyền thôn). 3.Tăng cường minh bạch ngân sách để xây dựng lòng tin của công chúng. 4. Công khai hợp đồng mua sắm hàng hoá và dịch vụ công và xây dựng cơ bản. 5. Xây dựng chỉ số đánh giá về các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, cấp phép, giáo dục.
Nguồn: https://bit.ly/2HAIQHf