Thực tiễn phòng chống tham nhũng ở Việt Nam với các tiêu chí của OGP

Tại hội thảo tham vấn cho báo cáo nghiên cứu: “Thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở Việt Nam và Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở (OGP)” ông Nguyễn Quốc Văn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ đã chia sẻ quan điểm của mình về các tiêu chí của OGP và thực tiễn phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Chúng tôi xin trích dẫn nội dung dưới đây:

Các kết quả tổ chức thực tiễn PCTN được nhận dạng qua 10 năm thi hành Luật PCTN (2005 – 2016) đã cho thấy có sự tương đồng hoàn toàn về mục tiêu của công cuộc PCTN với các mục tiêu hướng tới của OGPVí dụ:

(i) Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN: Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng, tạo điều kiện để người dân, các tổ chức chính trị – xã hội, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan truyền thông tham gia PCTN. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí, truyền thông đã tham gia phối hợp trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và phát hiện hành vi tham nhũng. Trong 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 192 văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm tra các thông tin phản ánh của báo chí về vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Chính phủ đã chỉ đạo triển khai, hỗ trợ để phát huy các sáng kiến trong cộng đồng về PCTN thông qua Chương trình ngày sáng tạo Việt Nam, Chương trình sáng kiến PCTN([1]). Qua đó nhiều sáng kiến PCTN đã được triển khai trong thực tế, góp phần thực hiện và nâng cao hiệu quả các biện pháp PCTN ở cơ sở.

Có thể nhận thấy các cơ quan báo chí, truyền thông, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp đã góp phần tích cực phát hiện nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Tuy nhiên, việc tham gia của phía xã hội, doanh nghiệp và người dân trong PCTN vẫn còn hạn chế; một bộ phận doanh nghiệp, người dân chưa tham gia tích cực trong việc đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng; một số cơ quan truyền thông, cá nhân đã lợi dụng việc chống tiêu cực, tham nhũng, thậm chí bịa đặt thông tin, thông tin không chính xác nhằm trục lợi, vu khống, bôi nhọ danh dự người khác; nhà nước hiện chưa bảo vệ có hiệu quả người tố cáo tham nhũng.

Như vậy, phát huy vai trò của xã hội trong PCTN là phù hợp với OGP là đưa ra và thực thi một cơ chế tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng và tham gia hợp tác với chính phủ trong việc thúc đẩy các cải cách liên quan.

(ii) Trong công tác tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN: Đảng CSVN, Chính phủ đã tổ chức, chỉ đạo triển khai việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao nhận thức chính trị, ý thức tự phê bình và phê bình, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… tạo nên phong trào tự giác tu dưỡng, rèn luyện, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và xây dựng thái độ, ý thức tự giác cho cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên trong PCTN, từng bước hình thành văn hoá chống tham nhũng. Từ năm học 2013 – 2014, việc giảng dạy nội dung PCTN tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (từ cấp THPTg trở lên) đã được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước([2]).

(iii) Thực hiện cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý: Công tác cải CCHC có tiến bộ rõ rệt ở tất cả các cấp chính quyền[3]. Chính phủ đã quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương để bảo đảm CCHC được thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Hệ thống thể chế tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, từng bước khắc phục những sơ hở làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các cơ quan hành chính được điều chỉnh phù hợp hơn. Phân cấp quản lý giữa Chính phủ và chính quyền cấp tỉnh được thực hiện có hiệu quả hơn, bảo đảm tính tự chủ, năng động, sáng tạo trong quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thể chế về quản lý tài chính công từng bước được đổi mới, hoàn thiện. Việc luật hóa và công khai hoá các nguồn thu và các khoản chi ngân sách nhà nước đã nâng cao tính dân chủ và minh bạch trong quản lý ngân sách quốc gia.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, hợp lý hóa trình tự giải quyết công việc, xóa bỏ các quy định chồng chéo, đơn giản hóa TTHC. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác kiểm soát TTHC, đẩy mạnh việc đơn giản hóa TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhân rộng mô hình một cửa điện tử; triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020; thiết lập và công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC tại 04 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ TTHC cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn[4].

(iv) Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã có chuyển biến rõ nét, nhất là công khai, minh bạch về chính sách, pháp luật; hoạt động chất vấn, trách nhiệm giải trình… Các bộ, ngành, địa phương đã bổ sung, hoàn thiện quy định về công tác cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch, nhất là trong bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ, công chức, giới thiệu cán bộ ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội; công tác thi tuyển, tiếp nhận cán bộ, công chức đã được quan tâm chấn chỉnh.

Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đổi mới công nghệ quản lý đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác PCTN. Hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước đã thực hiện tốt công khai, minh bạch. Người dân dễ dàng nhận biết các quyền và nghĩa vụ của mình để chủ động thực hiện theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức nhà nước đã có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền do pháp luật quy định.

(v) Minh bạch tài sản, thu nhập: Từ năm 2007 đến nay, các bộ, ngành địa phương đã tích cực triển khai thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong vài năm đầu, việc thực hiện còn chưa đồng đều, có nơi chậm triển khai thực hiện, có nơi gặp vướng mắc, khó khăn do nhận thức của các cấp, các ngành chưa nhất quán, chưa thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; thời gian về sau với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, quy định của pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập đã được bổ sung, hoàn thiện. Việc tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng nên việc kê khai tài sản đã dần đi vào nền nếp. Đến nay tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực. Ngoài ra, còn có 70 người bị xử lý kỷ luật do vi phạm quy định về tổ chức thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập.

(vi) Xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát cơ chế, chính sách; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như đất đai, tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công…; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Trong 10 năm, cả nước đã ban hành mới hơn 34.885 văn bản, sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ 27.120 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực. Các quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp; nhà công vụ; quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước… đã được ban hành, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản của Nhà nước, góp phần tích cực PCTN, lãng phí. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Qua 56.338 cuộc kiểm tra, giám sát về việc chấp hành các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn đã phát hiện 1.874 vụ vi phạm, xử lý kỷ luật 1.440 người; xử lý hình sự 68 người. Còn nhiều quy định về định mức, tiêu chuẩn lạc hậu, chưa sát với thực tế, tạo sơ hở dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí như quy định về giá đất; định giá tài sản; định mức công tác phí; định mức kinh tế, kỹ thuật…

(vii) Xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương đã ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chứcBộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp đã xây dựng và phát động thực hiện quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Qua tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của 48.411 cơ quan, tổ chức tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trên cả nước 10 năm qua đã phát hiện và xử lý 3.376 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

(viii) Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức: Trong 10 năm qua, các cấp, các ngành đã chuyển đổi vị trí công tác 310.694 lượt cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tích cực phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực và địa bàn gặp nhiều khó khăn do các quy định về vấn đề này chưa sát với đặc điểm tình hình, cần được xem xét điều chỉnh.

(ix)  Công tác điều tra, truy tố, xét xử: 10 năm qua, công tác điều tra, truy tố, xét xử các hành vi tham nhũng có nhiều tiến bộ. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn (đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can; truy tố 2.959 vụ, 6.935 bị can; xét xử 2.628 vụ, 5.870 bị cáo). Việc tăng cường chỉ đạo phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn được công luận đồng tình ủng hộ, qua đó đã có tác dụng răn đe, góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, bước đầu củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với công tác PCTN. Thông qua việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các cấp, các ngành phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế – xã hội, đưa ra các giải pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng phù hợp hơn.

(x) Công tác thu hồi tài sản tham nhũngTrong 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng đã gây ra được phát hiện là 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Số tiền đã thu hồi cho nhà nước là 4.676,6 tỷ đồng và trên 219 ha đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hằng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt. Tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Việc thu hồi tài sản tham nhũng thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là việc điều tra án tham nhũng rất phức tạp và khó khăn, phải có thời gian để tổ chức xác minh, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt được, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả. Mặt khác, do các cơ quan chức năng chưa quyết liệt, triệt để trong việc kê biên, xử lý tài sản do phạm tội tham nhũng mà có trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; một số vụ án gặp khó khăn khi phải thu hồi tài sản ở nước ngoài…

Kết luận

– Các giá trị cốt lõi của OGP phù hợp hoàn toàn với các lý thuyết về PCTN và quản trị nhà nước hiện đại và thực tiễn PCTN Việt Nam; phù hợp với tư tưởng xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh; phù hợp với đường lối xây dựng NNPQ XHCN của Đảng CSVN và Hiến pháp năm 2013; phù hợp với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển của Chính phủ; phù hợp và góp phần thiết thực bảo đảm thực thi các chính sách và mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững của Việt Nam. Các nguyên tắc nền tảng của OGP cũng chính là những định hướng phát triển chiến lược của Việt Nam, bao gồm: (1) phòng, chống tham nhũng, (2) tăng cường sự tham gia của người dân, (3) áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về tính liêm chính cho hệ thống quản trị nhà nước, công khai thông tin về các hoạt động của chính phủ và (4) tăng cường khả năng tiếp cận với các công nghệ hiện đại để thực hiện công khai và trách nhiệm giải trình hiệu quả. Vì vậy, việc tham gia vào OGP sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn lực và kinh nghiệm của quốc tế, từ đó giúp thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia một cách hiệu quả hơn

– OGP không hề xa lạ và không có xung đột với bất kỳ khía cạnh nào với đường lối, chính sách, pháp luật hiện hành về quản trị quốc gia và PCTN của Đảng CSVN và Nhà nước Việt Nam. Các nguyên tắc nền tảng của OGP rất phù hợp với nội dung và mục tiêu cải cách của Chính phủ Việt Nam, như cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, hoàn thiện các Luật tiếp cận thông tin, Luật phòng PCTN… tham gia UNCAC và các diễn đàn song phương, đa phương về PCTN.

–  Tham gia OGP đồng nghĩa với việc một quốc gia đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ tới người dân trong nước và cộng đồng quốc tế rằng họ cam kết tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng trong bộ máy chính quyền, với mục đích đem lại sự phồn vinh cho đất nước.[5]

– Tham gia OGP cũng đồng nghĩa với việc cam kết hoặc tái cam kết thực thi UNCAC – mà hiện đã có 178 nước thành viên, trong đó có Việt Nam. Nói cách khác, OGP bổ sung sự cam kết, quyết tâm và hỗ trợ các quốc gia trong việc thực thi một công cụ quốc tế sẵn có về quản trị tốt và PCTN là UNCAC.

OGP sẽ hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong công tác PCTN, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi Đảng CSVN và Chính phủ Việt Nam đã và đang có quyết tâm chính trị rất cao, có hành động thực tiễn PCTN hết sức quyết liệt, OGP chắc chắn sẽ đồng hành với Việt Nam trong công cuộc PCTN.

([1]) Chương trình Ngày sáng tạo Việt Nam chủ đề PCTN và Chương trình sáng kiến PCTN đã huy động được 504 đề án sáng kiến từ cơ sở, trong đó có 112 đề án đã được đánh giá có chất lượng và hỗ trợ kinh phí thực hiện với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.

([2]) Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

([3]) Nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.

([4]) Đã có gần 400.000 doanh nghiệp khai thuế qua mạng Internet, chiếm 86% doanh nghiệp đang hoạt động. Các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đơn giản hóa 4.219/4.712 thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại 25 nghị quyết chuyên đề (đạt tỷ lệ 89,5%). Đã thiết lập và công bố Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia gồm 102.911 hồ sơ thủ tục hành chính và 9.855 hồ sơ văn bản có liên quan về thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền và công khai trên mạng Internet; chuẩn hóa và thống nhất được bộ thủ tục hành chính cấp huyện, cấp xã theo hướng rút gọn từ 10.000 bộ thủ tục hành chính cấp xã và 700 bộ thủ tục hành chính cấp huyện xuống còn 63 bộ ở mỗi cấp.

[5] Xem, Nguyễn Thị Kiều Viễn, Chính phủ mở – con đường phía trước, Vietnam Net, 07/01/2015, tại http://m.vietnamnet.vn/vn/thoi-su/215384/chinh-phu-mo-con-duong-phia-truoc.html.