Chính phủ mở không phải là một lựa chọn mà là con đường phía trước
Ra đời năm 2011, Đối tác Chính phủ mở (OGP) là một nỗ lực quốc tế tự nguyện nhằm đạt được những cam kết cụ thể từ các chính phủ trong việc thúc đẩy minh bạch, khuyến khích sự tham gia của công chúng, đấu tranh phòng chống tham nhũng và nâng cao sự lắng nghe và phản hồi của chính quyền đối với người dân. Khi tham gia vào OGP, các quốc gia sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới công dân của mình cũng như cộng đồng quốc tế về sự cam kết của quốc gia đó trong việc tăng cường tính mở, tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quyết tâm chống tham nhũng để hướng đến một quốc gia thịnh vượng. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa đủ tiêu chuẩn để tham gia OGP; tuy nhiên, Việt Nam cũng đã gần đạt được những tiêu chí hợp lệ tối thiểu. Tại Việt Nam, tổ chức Hướng Tới Minh Bạch (TT) và các tổ chức xã hội có quan tâm khác đã và đang cố gắng thúc đẩy OGP thành một diễn đàn, nơi chính phủ, xã hội dân sư và khu vực tư có thể cùng nhau hợp tác nhằm thúc đẩy các nguyên tắc và giá trị của Chính phủ mở.
Việt Nam trong Bối cảnh OGP? |
OGP chưa được đưa vào nghị trình chính sách của Việt Nam. Kiến thức của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong nước về OGP còn rất hạn chế. Có một số đối tác phát triển bày tỏ sư ủng hộ Việt Nam trong công cuộc xây dựng một nền quản trị tốt dựa trên minh bạch, trách nhiệm giải trình, và sự tham gia của người dân – tất cả đều là những nguyên tắc cốt lõi của OGP – nhưng không một ai sử dụng OGP trực tiếp như một công cụ để làm việc.
Một quốc gia sẽ đủ điều kiện gia nhập OGP nếu quốc gia đó đạt được tối thiểu 75% số điểm tối đa (hay 12 trên 16) dựa trên bốn tiếu chí sau: (i) Minh Bạch Tài Khoá, (ii) Tiếp Cận Thông Tin, (iii) Công Khai Tài Sản, và (iv) Sự Tham Gia của Công Dân. Mỗi tiêu chí được tính tối đa 4 điểm. Đáng chú ý là từ tháng 9 năm 2017, các quốc gia còn phải đạt được những tiêu chí bổ sung (đó là “Kiểm Tra Giá Trị” – Values Check) trước khi được phép tham gia OGP. Các tiêu chí bổ sung này tập trung chủ yếu vào không gian dân sư và quyền tự do công dân. Đây là một nỗ lực để tăng cường tính gắn kết giữa các quốc gia thành viên OGP với những giá trị cốt lõi của OGP. Đặc biệt, đây cũng được xem như một sự phản hồi kịp thời của Ban Chỉ đạo OGP trước tình trạng không gian cho sự tham gia của người dân đang bị thu hẹp một cách đáng lo ngại ở nhiều quốc gia OGP cũng như trên khắp thế giới[1].
Hiện Việt Nam đạt được 8 trên 16 điểm tối đa (OGP, 2016). Điều này có nghĩa là Việt Nam cần phải đạt thêm bốn điểm nữa để đạt được mức tối thiểu (12/16) và đồng thời cũng phải vượt qua bài “Kiểm Tra Giá Trị” (xem Bảng bên dưới) để có thể tham gia vào OGP.
Nghiên cứu năm 2016 của TT về triển vọng tham gia OGP của Việt Nam cho thấy OGP không hề xa lạ hay xung đột với những định hướng, chính sách hay pháp luật về quản trị của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam.
Điểm hợp lệ OGP của Việt Nam | ||
1 | Minh Bạch Tài Khoá | 0/4 |
2 | Tiếp Cận Thông Tin | 4/4 |
3 | Công Khai Tài Sản | 2/4 |
4 | Sự Tham Gia của Công Dân | 2/4 |
Tổng cộng | 8/16 |
(Nguồn: số liệu OGP cập nhật tháng 11/2017)
Thực tế, một vài những cải tổ gần đây của đất nước đang được triển khai phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của OGP, như cải cách hành chính công, phát triển chính phủ điện tử, thông qua Luật Tiếp Cận Thông Tin, sửa đổi Luật Phòng, Chống Tham Nhũng (Luật PCTN), hoặc việc tham gia vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về Chống Tham Nhũng (UNCAC).
Sự tham gia của công chúng là trung tâm của OGP. Bằng việc thông qua Tuyên bố về Chính Phủ Mở, các thành viên OGP cam kết tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng, thi hành, và giám sát các Chương Trình Hành Động Quốc Gia. Nghiên cứu của TT cũng chỉ ra rằng các tổ chức xã hội Việt Nam đã đóng góp rất lớn vào việc thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình, và sự tham gia của người dân trong thời gian qua. Việc này đang ngày càng thu hút được sự chú ý từ cả hai phía: chính phủ và xã hội. Điều nàycũng cho thấy rằng các tổ chức xã hội Việt Nam đã sẵn sàng tham gia hợp tác sâu rộng hơn nữa với chính phủ trong việc tăng điểm hợp lệ của Việt Nam cũng như trong việc xây dựng một Chương Trình Hành Động Quốc Gia theo quy định của OGP.
Vì sao OGP quan trọng với Việt Nam? |
Nghiên cứu của TT về triển vọng tham gia OGP của Viêt Nam đã xác định được mối liên quan cũng như tầm quan trọng của OGP trong bối cảnh Việt Nam hiện tại.
Thứ nhất, OGP giúp tăng lòng tin của người dân vào chính quyền
Tham nhũng diễn ra tràn lan ở Việt Nam. Theo Báo cáo Phong vũ biểu Tham Nhũng Toàn Cầu: Việt Nam 2017 (GCB Việt Nam 2017) do tổ chức Minh Bạch Quốc Tế và Hướng Tới Minh Bạch thực hiện, phần lớn người dân Việt Nam tin rằng tham nhũng trong khu vực công là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng và việc đưa hối lộ diễn ra phổ biến nhất trong các lĩnh vực như cảnh sát, y tế và giáo dục. Tham nhũng làm xói mòn lòng tin của công chúng với chính quyền, vì thế tham gia OGP sẽ tạo ra một cơ chế mới để đấu tranh chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị quốc gia tốt. Kết quả là nó sẽ làm tăng niềm tin của xã hội vào chính quyền.
Thứ hai, OGP giúp đẩy nhanh công cuộc cải cách thể chế
Viêt Nam đang tiến hành một loạt các cải cách thể chế nhằm tăng cường chất lượng quản lý Nhà nước về mặt xã hội, trong đó bao gồm cả việc cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước, công dân, và khu vực tư. Những cải cách này nổi lên như một nhiệm vụ cấp bách mà nếu thực hiện thành công sẽ được coi như một bước đột phá cho sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, quản lý nhà nước trên thực tế đang không đáp ứng được các nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cải cách hành chính và năng lực trong việc tăng cường thể chế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và công dân tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng trong nền kinh tế thị trường đang thực sự bị trì trệ. Bằng việc thúc đẩy minh bạch, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân vào lĩnh vực quản lý nhà nước, OGP sẽ đóng góp đáng kể vào việc giải quyết những yếu kém của bộ máy nhà nước hiện nay, bao gồm cả việc thương mại hoá những cơ sở thuộc nhà nước, thiếu vắng các cơ chế kiểm soát,mất cân bằng quyền lực trong chính quyền, cũng như việc hạn chế tiếng nói và sư tham gia của công chúng vào các quyết định chính sách.
Thứ ba, OGP giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và thu hút các nguồn vốn FDI có chất lượng
Tình trạng tham nhũng có tính hệ thống của Việt Nam đã để lại những ảnh hướng xấu đến hình ảnh quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế. Ở lĩnh vực kinh doanh, tham nhũng làm nhụt chí các nhà đầu tư nước ngoài và tạo ra môi trường kinh doanh trong nước không lành mạnh. Bởi vậy, vực dậy niềm tin của nhà đầu tư vào sự hiệu quả của chính quyền, pháp luật kinh doanh và cạnh tranh đã trở thành nhu cầu cấp bách. Theo đuổi các giá trị cốt lõi của chính phủ mở sẽ đóng góp vào việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi tạo tiền đề thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Điều này cũng phù hợp với chính sách của Việt Nam xem doanh nghiệp là động lực phát triển đất nước. Hơn nữa, nhiệm vụ của OGP là chia sẻ tầm nhìn và tăng cường nên dần chủ và quản trị tốt vì lợi ích của nhân dân. Những yếu tố này giúp thúc đẩy quyền lực mềm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và do đó làm đẹp thêm hình ảnh quốc tế của Việt Nam.
Thứ tư, OGP giúp Chính phủ Việt Nam thực thi có hiệu quả các công ước quốc tế cũng như pháp luật trong nước về phòng, chống tham nhũng
Những giá trị và nguyên tắc trung tâm của Chính Phủ Mở rất gắn kết với Điều 10 và Điều 13 của UNCAC và Luật PCTN năm 2005 (Chương 1, Chương VI) cũng như các quy định khác về sự tham gia của xã hội và công dân trong việc phòng, chống tham nhũng. Do đó, khi được áp dụng, Chính Phủ Mở sẽ đóng vai trò then chốt trong việc áp dụng các quy định pháp luật kể trên.
Cuối cùng, tham gia OGP sẽ giúp tạo ra một cơ chế chính thức cho nhà nước và xã hội cùng cộng tác với nhau để nâng cao chất lượng của các quyết định chính sách và quản trị
Sự tham gia của người dân được xem là một tiêu chí quan trọng để tham gia Chính Phủ Mở. Sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc phát triển các Chương Trình Hành Động Quốc Gia trở thành điều kiện tiên quyết mà các thành viên OGP phải đáp ứng, và được xem là một cơ chế để thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước và các tổ chức xã hội trong việc quyết định chính sách và phát triển cho mọi người. Hiện nay, Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ) và các thành viên được hiến pháp quy định nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội các hoạt động của Nhà nước. OGP sẽ bổ sung một cơ chế chính thức cho MTTQ và các tổ chức xã hội để trực tiếp tạo ảnh hưởng và giám sát hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền theo đúng nguyên tắc mở, minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Kết quả đạt được sẽ là vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ được củng cố và sự tham gia của người dân trong lĩnh vực chính sách sẽ trở nên chính danh và hiệu quả hơn.
Triển vọng tham gia OGP của Việt Nam |
Như đề cập ở trên, các nguyên tắc và giá trị của OGP có liên hệ mật thiết với đường lối, chính sách và pháp luật của Đảng Cộng Sản và Nhà nước Việt Nam. Việt Nam cũng hoàn toàn có khả năng tăng số điểm tiêu chuẩn để gia nhập OGP dựa trên tình hình hiện nay.
Tiếp Cận Thông Tin: Việt Nam đã đạt điểm tối đa trong lĩnh vực này sau khi Luật Tiếp Cận Thông Tin được thông qua từ năm 2017 và sẽ có hiệu lực từ tháng 7 năm 2018.
Công Khai Tài Sản: Chính phủ đang soạn thảo Luật PCTN sửa đổi, bổ sung và sẽ được trình góp ý, thông qua trong phiên họp thường kỳ của Quốc hội năm 2018. Bản dự thảo mới nhất của luật ày đã đưa vào các quy định mới về cung cấp thông tin liên quan đến khai báo tài sản áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Những phát triển gần đây đi kèm với sức ép của người dân đòi hỏi chính quyền tăng cường tính hiệu quả phòng, chống tham nhũng là những tín hiệu cho thấy có thể sẽ có thêm các quy định pháp luật mới và thực tế hơn trong việc minh bạch tài sản trong dự thảo luật PCTN sửa đổi, bổ sung. Trong lĩnh vực này, Việt Nam có thể đạt thêm ít nhất một điểm nữa.
Minh Bạch Tài Khoá: Việt Nam rất có thể sẽ đạt thêm hai điểm nữa ở tiêu chí này trong thời gian sắp tới. Hiện nay, do sự trì hoãn trong việc công bố Báo Cáo Kiểm Toán của Việt Nam và việc không thể tiếp cận được Dự Toán Ngân Sách đã khiến Việt Nam nhận được điểm “không” cho hạng mục “minh bạch tài khoá”. Tuy nhiên, việc Việt Nam có tăng điểm được là có thể vì thời hạn công bố Báo Cáo Kiểm Toán là trùng với thời hạn quy định tại Luật Ngân Sách Nhà Nước năm 2015. Đặc biệt, khoản 7 Điều 70 của Luật quy định rằng “Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách” và khoản 1 Điều 71 quy định “Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.” Báo Cáo Kiểm Toán của ngân sách năm 2013 được công bố bởi Tổng Kiểm Toán Nhà Nước tại cuộc họp báo ngày 10/07/2015, là thời điểm 18 tháng 10 ngày sau khi kết thúc năm tài khoá 2013. Trong bố cảnh đó và theo quy định mới của Luật Ngân Sách Nhà nước thì Việt Nam sẽ rất có thể đạt được mục tiêu 18 tháng kể trên. Kết quả là Việt Nam sẽ có thêm 2 điểm trong hạng mục này.
Sự Tham Gia của người dân: Trong các tiêu chí thì tiêu chí này là khó khăn nhất với Viêt Nam vì nó liên quan đến các vấn đề về quyền tự do công dân. Tuy nhiên, vẫn có khả năng Việt Nam sẽ tăng điểm nhờ vào các luật mới được thông qua như Luât Tiếp Cận Thông Tin, Luật Trưng Cầu Dân Ý, và Luật Báo Chí 2016. Đây là những luật có thể mang đến những kết quả tích cực. Sự phát triển này khắc hoạ các xu hướng đáng chú ý về sự tham gia của người dân ngày càng được ghi nhận
Tóm lại, OGP hoàn toàn phù hợp với khung pháp lý và chính sách của Việt Nam hiện nay. Nó giúp quốc gia thi hành tốt luật và chính sách hiện hành. Điều này cũng cho thấy rằng OGP không phải là một cơ chế đe doạ hệ thống chính trị hay tạo nên gánh nặng cho Nhà nước. Thêm vào đó, OGP không phải là một công ước quốc tế mà là một cơ chế quốc tế (hoặc môt diễn đàn) nơi mà luật chơi sẽ đơn giản và linh hoạt hơn các cơ chế và các công ước quốc tế khác, ví dụ như UNCAC. Trong thời gian sắp tới, TT và các tổ chức xã hội có quan tâm khác mong muốn tiếp tục gắn kết và hợp tác với các bên có quan tâm khác như Nhà nước, đối tác phát triển, các tác nhân phi nhà nước để cùng hướng tới một xã hội mở hơn và tăng cường chống tham nhũng tại Việt Nam.
[1] Xem thêm thông tin liên quan đến các tiêu chí gia nhập OGP và cách tính điểm tại: https://www.opengovpartnership.org/resources/eligibility-criteria