Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Năm 2018, Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành 65% số thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt hơn 90%. Ðể đạt được những mục tiêu này, các đơn vị tiếp tục triển khai nhiều phần mềm giải quyết các dịch vụ công, đồng thời tăng cường hướng dẫn, vận động người dân tích cực ứng dụng.

Từ năm 2018, Sở Giao thông vận tải Hà Nội triển khai thêm dịch vụ công mức độ 4 đối với thủ tục cấp giấy phép lái xe quốc tế. Trước đó, Sở đã phối hợp Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Bưu điện TP Hà Nội tiếp nhận, đào tạo chuyển giao phần mềm ứng dụng. Khi truy cập vào trang web www.dichvucongdoigplx.hanoi.gov.vn, người dân có thể gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép ở bất kỳ đâu, bằng bất kỳ thiết bị nào có kết nối mạng, lựa chọn hình thức nhận kết quả tại nhà, thực hiện thanh toán trực tuyến thông qua giải pháp thanh toán của VietinBank hoặc nộp phí dịch vụ trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Sở Giao thông vận tải. Trên trang web này còn có vi-đê-ô hướng dẫn các bước thực hiện và có địa chỉ thư điện tử, số điện thoại để hỗ trợ trực tuyến. Người nộp hồ sơ cũng có thể tra cứu tiến độ hồ sơ của mình để nắm bắt tình hình. Ðại diện Sở Giao thông vận tải cho biết, cùng với dịch vụ cấp giấy phép lái xe quốc tế, nhiều dịch vụ công khác của Sở cũng đang triển khai ở mức độ 3, dần dần sẽ áp dụng mức độ 4, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, giảm đáng kể chi phí và thời gian.
Hiện, Hà Nội có hơn 600 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Riêng năm 2017, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai và vận hành 81 dịch vụ công trực tuyến tại mười sở, 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn; đồng thời tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến do các bộ chuyên ngành triển khai cho thành phố. Ðến nay, tỷ lệ người dân tự làm hoàn chỉnh thủ tục dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã, phường, thị trấn đạt 70%.
Thành phố tiếp tục hoàn thành triển khai hệ thống một cửa dùng chung ba cấp, kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Ðồng thời, duy trì và mở rộng các trang, cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố và kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Năm nay, thành phố sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, qua đó hình thành chính quyền điện tử.
Ðể việc triển khai được hiệu quả, bên cạnh cơ sở hạ tầng về công nghệ, rất cần đến sự nỗ lực, chủ động của từng cán bộ, công chức trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân ứng dụng cách thức mới. UBND quận Hà Ðông đã chỉ đạo mở 34 điểm hỗ trợ sử dụng dịch vụ tại 17 phường. Mỗi điểm đều được trang bị đầy đủ thiết bị kỹ thuật như máy tính, máy in, kết nối mạng, bàn ghế… Không chỉ trong ngày làm việc mà các ngày thứ bảy, chủ nhật, các cán bộ trẻ trên địa bàn quận Hà Ðông trực tiếp túc trực tại 34 điểm này để giúp người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Phó Bí thư Quận đoàn Hà Ðông Bùi Thị Thu Trang cho biết, nhiều người thường có tâm lý ngại tìm hiểu, muốn cán bộ khai giúp luôn, nhưng chúng tôi thường hướng dẫn cho họ, dù mất công hơn nhưng về lâu dài, người dân sẽ biết cách thức sử dụng. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cấp phường trên địa bàn quận hiện đạt hơn 80%.
Bác Nguyễn Thị Hợi (ở phố Vạn Phúc, quận Hà Ðông) cho biết: “Sau khi được các cán bộ hướng dẫn khai thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu ngay trên điện thoại, tôi thấy cũng không khó lắm. Khai xong thông tin, vài phút sau đã được báo kết quả. Tôi thấy rất hay, tôi sẽ chia sẻ với hàng xóm, bạn bè”.
Sở Giáo dục và Ðào tạo đưa việc giới thiệu dịch vụ công trực tuyến của thành phố vào nội dung giảng dạy cho học sinh THCS. Tại các quận Long Biên, Thanh Xuân…, chính quyền địa phương phối hợp các trường đã tổ chức lớp học về dịch vụ công trực tuyến cho các em học sinh lớp 8. Trên nền tảng Tin học đã có, các em học sinh có thể giới thiệu và hướng dẫn cho ông bà, bố mẹ, người thân quen sử dụng các dịch vụ công trên máy tính hoặc điện thoại.
Nhiều năm gần đây, Hà Nội luôn là địa phương nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt cao nhất cả nước. Thành phố sẽ tiếp tục đầu tư đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Nguồn: Nhandan.com.vn