Hạt nhân của OGP với lý thuyết hiện đại về quản trị tốt và phòng chống tham nhũng

Ngày 18 tháng 5 năm 2018, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo tham vấn cho báo cáo nghiên cứu: “Thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) ở Việt Nam và Sáng kiến Đối tác Chính phủ Mở (OGP)”. Hội thảo tham vấn đã có sự tham gia của đông đảo các đối tác phát triển, đại diện cơ quan nhà nước, các chuyên gia độc lập và các nhà báo. Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn phần phát biểu của ông Nguyễn Quốc Văn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ tại hội thảo:

“Hạt nhân của OGP với lý thuyết hiện đại về quản trị tốt và phòng chống tham nhũng”

1.Từ cách tiếp cận về quản trị tốt, UNDP cho rằng: “Tham nhũng là hậu quả của sự thiếu hụt ba yếu tố gồm Trách nhiệm giải trình, Sự liêm chính và Tính minh bạch trong bối cảnh tồn tại sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý hành động do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước”[1].  UNDP đã mô tả nguyên nhân của tham nhũng bằng công thức:[2] C  = (M  + D)  – (A + I + T)
Trong đó: C = Corruption (Tham nhũng);  M = Monopoly (Sự chuyên quyền, độc đoán); D = Discretion (sự tùy ý hành động do thiếu sự kiểm soát); A = Accountability (trách nhiệm giải trình); I = Integrity (sự liêm chính); T= Transparency (tính minh bạch).

2.Một số tổ chức và chuyên gia khác cũng có cách tiếp cận và quan điểm tương tự như của UNDP về nguyên nhân tham nhũng. Cụ thể, Robert Klitgaard -một chuyên gia quốc tế hàng đầu về quản trị tốt và chống tham nhũng cũng đưa ra công thức:[3] C = M  + D  – A

Các yếu tố C, M, D và A có nội hàm giống như trong công thức của UNDP nên công thức trên có thể được diễn giải: “Tham nhũng là hậu quả từ sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý hành động do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước trong bối cảnh thiếu những cơ chế về trách nhiệm giải trình”[4].

3.Ở góc độ tiếp cận khác, có học giả cho rằng:

– Tham nhũng = Độc quyền + Bưng bít thông tin – Trách nhiệm giải trình

– Chống tham nhũng = Cạnh tranh + Minh bạch + Trách nhiệm giải trình

4.Các nghiên cứu, tổng kết tại Việt Nam thời gian qua đã thống nhất các giải pháp đồng bộ PCTN, bao gồm các giải pháp mang tính tư tưởng và kỹ thuật; các giải pháp pháp lý, kinh tế, văn hóa, công nghệ như sau: (i) Kiểm soát quyền lực; (ii) Tham gia của xã hội dân sự/khu vực tư; (iii) Công khai minh bạch trong tổ chức, hoạt động của cơ quan và cán bộ, chông chức nhà nước; (iv) công khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức; (v) Bảo đảm trách nhiệm giải trình của cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước; (vi) Phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế/nhất là các tổ chức hợp tác phát triển; (vii) Hợp tác giữa các quốc gia trong PCTN; (viii) Đẩy mạnh giáo dục đạo đức liêm chính; (ix) Phát huy vai trò của truyền thông hiện đại; (x) Nỗ lực đồng thời của các chính phủ về xây dựng thể chế, tổ chức lực lượng và hành động thực tiễn.

Bình luận:

(i) Có thể có một vài khác biệt nhỏ, song trong các công thức, nghiên cứu kể trên, các yếu tố Trách nhiệm giải trình, Sự liêm chính, Tính minh bạch và Sự tham gia của xã hội dân sự/khu vực tư đóng vai trò là những cái “chốt” để phòng ngừa, kiềm chế và kiểm soát tham nhũng; trong khi sự độc đoán và tùy ý hành động của cơ quan và công chức nhà nước do thiếu sự kiểm soát là những tác nhân tạo thuận lợi cho tham nhũng.

(ii) Có thể nhận thấy rõ ràng rằng các giá trị cốt lõi của OGP (như minh bạch tài khóa; tiếp cận thông tin; công khai tài sản; sự tham gia của người dân) là hoàn toàn phù hợp với các lý thuyết hiện đại và các nghiên cứu tại Việt Nam về quản trị tốt và PCTN.

[1] UNDP (2004), Anti-corruption- Practice Note

[2] Xem: UNDP Source Book on Accountability, Transparency and Integrity, available at (http://intra.undp.org/b dp/anticorruption/sourcebook_ati.htm )

[3] Tanzi, Vito, Corruption Around the World: Causes, Consequences, Scope and Cures, IMF Staff Papers Vol. 45, No. 4, December 1998, tr.73. Cũng xem UNDP (2004), Anti-corruption- Practice Note, tài liệu đã dẫn, tr.2.

[4] Tanzi, Vito, Corruption Around the World: Causes, Consequences, Scope and Cures, IMF Staff Papers Vol. 45, No. 4, December 1998, tr.73.