Muốn giảm tham nhũng phải tăng lòng tin

Lòng tin. Sâu bọ vào cuộc.
Tranh Hà Huy Chương. Nguồn BBC

Nhiều nghiên cứu cho thấy mất lòng tin vào các thể chế chính trị là nguyên nhân chính của tham nhũng vì nó tạo ra sự chấp nhận của hành vi sai trái cũng như tạo ra sự “mong đợi” là hành vi sai trái đó [tham nhũng] sẽ xảy ra. Các nghiên cứu cũng tìm ra bằng chứng cho thấy tham nhũng tạo ra mức độ tin tưởng chính trị rất thấp và làm sói mòn tính chính danh của chế độ cầm quyền. Các nghiên cứu này rõ ràng không chỉ cho thấy tầm quan trọng của lòng tin, mà còn chỉ ra mối quan hệ nhân quả của việc thiếu lòng tin sẽ nuôi dưỡng tham nhũng và từ đó làm sói mòn lòng tin vào chính phủ và xã hội. Nó cho thấy vòng luẩn quẩn của các quốc gia bị tham nhũng hoành hành, làm cho họ rất khó chống lại tham nhũng hay đo sự hiệu quả của việc chống tham nhũng (Manion, 2004; Wesberry, 2004).

Thiếu lòng tin vào xã hội hoặc chính phủ thường là rào cản cho việc xây dựng các mục đích chung và thái độ hợp tác. Trong xã hội mất lòng tin, người dân sẽ tìm kiếm các giải pháp thực dụng mang tính cá nhân cho lợi ích riêng của mình. Thiếu lòng tin làm người dân chấp nhận tham nhũng và mong đợi hành vi tham nhũng từ người khác. Ví dụ, nghiên cứu của Heidenheimer (1996, p. 339) cho thấy sự thiếu lòng tin trong công dân ở Ý là nguyên nhân làm tham nhũng tràn lan sau thế chiến thứ II. Còn nghiên cứu của Bardhan (1997) cho thấy người dân đưa hối lộ vì họ đã tin rằng quan chức chính phủ chắc chắn có hành vi tham nhũng. Xin và Ruden (2004, p. 298) cũng cho rằng sự mất lòng tin trong xã hội làm cảm nhận về tham nhũng tăng lên và từ đó biện minh cho hành vi tham nhũng dễ được chấp nhận hơn. Các nghiên cứu thực chứng của La Porta, Lopez-De Silanes, Shleifer, và Vishny (1997), Moreno (2002), Seligson (1999) và Davis, Camp, và Coleman (2004) cũng cho kết quả tương tự: lòng tin thấp thì tham nhũng cao và mức độ chấp nhận hành vi tham nhũng cũng cao hơn.

Nhiều học giả nhấn mạnh hơn vai trò của lòng tin chính trị lên tham nhũng. Mức độ của lòng tin chính trị định hướng cho hành vi của người dân trong việc có hối lộ hay không (Hetherington, 1998, p. 791). Theo Della Porta (2000) thì “sự mất lòng tin vào chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tham nhũng vì nó biến người dân thành người được bảo trợ và khiến họ có xu hướng đút tiền cho quan chức để có được lợi ích cá nhân cho mình”. Nghiên cứu của Cleary và Stokes (2006) cũng cho thấy việc thiếu lòng tin vào thể chế thì cũng tạo ra chủ  nghĩa bảo trợ. Guerrero và Del Castillo nghiên cứu ở Mexico thì cho thấy khi các thể chế nhà nước thiếu tính chính danh và cảm nhận tham nhũng của người dân cao, đặc biệt đến mức “mọi người đều làm thế” thì sẽ làm giảm đáng kể khả năng phát hiện và trừng phạt tham nhũng, từ đó sẽ khiến mọi người không có động lực làm theo luật pháp. Nói cách khác, nếu một cơ quan có hình ảnh tham nhũng thì các cá nhân khi làm việc với nó sẽ nghĩ rằng việc đưa hối lộ là cần thiết và chẳng có rủi ro gì.

Một số nghiên cứu khác thì lại cho thấy mối liên hệ ngược lại, có nghĩa tham nhũng làm sói mòn lòng tin. Anderson and Tverdova (2003), cho thấy mức độ cảm nhận về tham nhũng càng cao thì mức độ ủng hộ của người dân cho thể chế càng thấp. Ở tầm vĩ mô thì mức độ cảm nhận tham nhũng cao sẽ tạo ra thái độ tiêu cực của người dân với công chức. Khi nghiên cứu ở các nước châu Mỹ Latin, Seligson (2002) cũng khẳng định tham nhũng gây ra tác hại làm xói mòn lòng tin chính trị và tính chính danh của thể chế cầm quyền. Theo A. H. Miller và Listhaug (1999), mối quan hệ này tồn tại bởi vì tham nhũng làm xói mòn lòng tin vào hiệu quả và sự công bằng của thể chế mà đây chính là các điều kiện cơ bản để người dân ủng hộ một thể chế. Nghiên cứu về ảnh hưởng của các vụ khủng hoảng chính trị lên lòng tin, Bowler và Karp (2004), Pharr (2000), Chang và Chu (2006), Peters và Welch (1980) đều cho thấy tham nhũng đã giúp phần làm hình thành thái độ [tiêu cực] của  người dân đối với chính phủ, các thể chế chính trị, và bản thân các nhà lãnh đạo chính trị đương nhiệm. Ví dụ nghiên cứu của Chang và Chu chứng minh tham nhũng chính trị đã có ảnh hưởng to lớn lên lòng tin trong bất cứ bối cảnh nào dù ở Nhật Bản, Thái Lan, hay Đài Loan.

Như vậy, các nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ nhân quả giữa lòng tin và tham nhũng. Stephen và Joseph (2010) tổng hợp ba lý do làm cho mối quan hệ giữa lòng tin và tham nhũng trở nên đặc biệt. Thứ nhất, tham nhũng thường là nội sinh. Có nghĩa tham nhũng không chỉ làm giảm lòng tin vào năng lực của các thể chế làm được những việc thuộc trách nhiệm của họ, mà còn làm giảm lòng tin nói chung vào chính phủ và các nhà chính trị. Ví dụ, một chương trình giảm nghèo không hiệu quả có thể không làm giảm lòng tin của người dân vào năng lực của chính phủ trong việc thiết kế chính sách vì sự không hiệu quả của dự án giảm nghèo có thể được qui cho các yếu tố bên ngoài như thiếu nguồn lực hoặc mức độ phức tạp của vấn đề, hoặc điều kiện địa lý khó tiếp cận với người nghèo. Như vậy, sự không hiệu quả của chương trình giảm nghèo không nhất thiết làm giảm lòng tin vào chính phủ. Tuy nhiên, tham nhũng tràn lan thì lại làm giảm lòng tin vào chính phủ và các nhà chính trị vì người dân không tin hệ thống chính trị và các nhà chính trị có năng lực hoặc mong muốn giải quyết vấn đề sinh ra từ chính hệ thống của mình.

Nói cách khác, nếu các nhà chính trị bị coi là tham nhũng thì các lời hùng biện của họ trong chống tham nhũng sẽ không được lắng nghe và tin tưởng. Thậm chí các nỗ lực thực sự để xử lý các quan chức tham nhũng cũng bị coi là “chiêu trò” để loại bỏ đối thủ chính trị chứ không phải là thực tâm loại bỏ tham nhũng (Wesberry, 2004). Kết hợp với sự miễn nhiệm không bị trừng phạt của nhiều vụ việc, tham nhũng nuôi dưỡng sự nghi ngờ dẫn đến việc các thông điệp chính thức về chống tham nhũng bị bỏ ngoài tai và các cuộc điều tra được đón nhận đầy hoài nghi (Aguilar, 2000).

Thứ hai, sự thiếu lòng tin do tham  nhũng gây ra làm cho người dân không muốn chủ động tham gia cùng chính phủ để tìm kiếm và triển khai các giải pháp chống tham nhũng. Việc này làm suy yếu các nỗ lực của chính phủ và xã hội trong việc phòng chống tham nhũng. Như Johnston (2002) cho thấy cảm nhận về tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định của người dân vào việc tham gia hay không tham gia vào chính trị. Việc thờ ơ và không tham gia vào chính trị gây ra nhiều hậu quả tai hại khác, đặc biệt các dự án phát triển quốc gia.

Thứ ba, việc thiếu lòng tin thì dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá hiệu quả của các nỗ lực phòng chống tham nhũng. Khi người dân không tin vào chính phủ và các nhà lãnh đạo chính trị thì họ lại tin vào mức độ lan tràn của tham nhũng. Chính vì vậy, việc điều tra mức độ và hiệu quả của việc chống tham nhũng nhiều khi lại phản ánh lòng tin của người dân vào các nhà chính trị và thể chế nhà nước. Nói tóm lại, trong xã hội mà công chúng tin là các nhà chính trị có tham nhũng và các cơ quan chính phủ bị tham nhũng thao túng thì nó không chỉ tạo ra các điều kiện để tham nhũng tiếp tục mà nó còn làm cho người dân không tin vào các nỗ lực phòng chống tham nhũng của  nhà nước. Khi đó, công chúng sẽ không nghĩ các  nỗ lực của nhà nước dù thật lòng là có tác động làm giảm tham nhũng. Như vậy, việc phòng chống tham nhũng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào lòng tin của công chúng vào chính phủ, các thể chế chính trị và bản thân các nhà chính trị đương nhiệm. Nếu không có lòng tin thì không những tham nhũng được tiếp tục nuôi dưỡng mà các nỗ lực phòng chống tham nhũng của nhà nước cũng sẽ bị nghi ngờ. Chính vì vậy, khôi phục lòng tin bằng cách minh bạch tiến trình phòng chống tham nhũng là cần thiết. Cụ thể, các nỗ lực cần chứng minh được tính công minh và vô tư của các vụ điều tra và xét xử tham nhũng, đặc biệt ở các cơ quan gìn giữ an ninh trật tự như cảnh sát và tòa án. Giống như nghiên cứu ở cấp địa phương của Rothstein và Stolle (2002) đã phát hiện sự tin tưởng vào những cơ quan như cảnh sát và tòa án có ảnh hưởng lớn nhất đến lòng tin xã hội. Họ khẳng định các xã hội mà không đảm bảo được sự khách quan của các cơ quan giữ gìn trật tự sẽ tạo ra sự thiếu tin tưởng vào các thể chế nhà nước và lòng tin trong xã hội nói chung. Nói cách khác, các thể chế chính phủ chỉ có thể tạo ra lòng tin trong xã hội nếu người dân tin rằng các thể chế chính trị là đáng tin cậy.

Tác giả: Bình Lê