Nghị quyết 36a: Xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam dần đi vào thực chất

Nhận định Chính phủ điện tử dần đi vào thực chất, Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, qua 2 năm triển khai Nghị quyết 36a, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, tích cực ứng dụng CNTT, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Văn phòng Chính phủ cho biết, trong năm 2017, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương đã được người dân, doanh nghiệp thực hiện với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Kết thúc năm 2017, sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết 36a, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao trọng trách chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết, Văn phòng Chính phủ cho rằng, qua 2 năm và đặc biệt là trong năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động, tích cực triển khai ứng dụng CNTT, tăng cường kết nối liên thông, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

“Chính phủ điện tử dần đi vào thực chất, các bộ, ngành, địa phương cùng với việc tích cực triển khai các Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, báo cáo của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a trong năm 2017 nêu rõ.

Đáng chú ý, thời gian qua, bên cạnh việc cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ, việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo số liệu thống kê được Bộ TT&TT công bố trong Sách Trắng CNTT-TT 2017, tính đến cuối năm 2016, tổng số dịch vụ công trực tuyến đã là 109.644 dịch vụ, trong đó số dịch vụ công trực tuyến mức 3 là 10.872 dịch vụ, chiếm gần 10% tổng số dịch vụ công và dịch vụ công trực tuyến mức 4 (mức cao nhất được thực hiện hoàn toàn qua mạng – PV) là gần 1.400 dịch vụ.

Thông tin về kết quả thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong năm 2017, báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho hay, trong 3 tháng cuối năm 2017, nhiều bộ, ngành, địa phương đã chính thức triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính của bộ, ngành, địa phương với người dân và cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia, tiêu biểu như Bộ Công Thương, Bộ KH&CN…

Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị đang tiếp tục triển khai, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến trên cơ sở Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo Quyết định 846 của Thủ tướng Chính phủ, công văn 2779 của Văn phòng Chính phủ và quyết định triển khai chủ động của bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, trong năm 2017, nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương đã được người dân, doanh nghiệp thực hiện với số lượng hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết rất lớn. Đơn cử như, Bộ Công an là hơn 8,8 triệu hồ sơ (cấp hộ chiếu và khai báo tạm trú); Bộ Công Thương là gần 772.000 hồ sơ; Bộ GD&ĐT là 270.000 hồ sơ; Bộ Giao thông Vận tải: 144.1189 hồ sơ (cấp giấy phép lái xe và giấy phép kinh doanh vận tải); TP.Hà Nội 225.173 hồ sơ; tỉnh Lâm Đồng 110.625 hồ sơ; Cà Mau trên 95.000 hồ sơ; Thái Nguyên là 91.201 hồ sơ; Hà Nam gần 82.000 hồ sơ…

Tuy nhiên, trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử trong năm 2017, Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ, thống kê cho thấy, trong 71 nhiệm vụ cụ thể Chính phủ giao cho các bộ, ngành Trung ương tại Nghị quyết này, mới có 44 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, đạt tỷ lệ 61,9%. Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng CNTT, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử (hệ thống thông tin đất đai – xây dựng) hay việc cấp phép qua mạng điện tử để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mới chỉ bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể.

Vì thế, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ có thời hạn cụ thể. Thực hiện nghiêm túc, gửi báo cáo đúng thời hạn về tình hình triển khai Nghị quyết 36a tới Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp các tháng cuối quý.

Các Bộ TT&TT, GD&ĐT tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chỉ số phát triển Chính phủ theo Liên hợp quốc. Trong đó, Bộ TT&TT tập trung đẩy mạnh băng thông rộng để nâng cao chỉ số về hạ tầng; Bộ GD&ĐT cập nhật ngay với UNESCO và các tổ chức có liên quan những thông tin căn bản về giáo dục Việt Nam bao gồm Chỉ số về Nhân lực, thường xuyên cập nhật số liệu trên trang thông tin điện tử của Bộ.

Chính phủ gương mẫu đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó Văn phòng Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và Bộ KH&CN đi đầu thực hiện xử lý hồ sơ, văn bản điện tử, kết nối lên Cổng thông tin điện tử trong hệ thống của mình từ cấp bộ đến địa phương; Văn phòng Chính phủ tập trung khẩn trương hoàn thành thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia, khai trương trong năm 2018 bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với cổng dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương…

rong Kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính, CNTT và xây dựng Chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ năm 2018 được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký ban hành ngày 31/1 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã dự kiến sẽ hoàn thành, trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương năm 2018 vào tháng 4 năm nay.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng xác định rõ, trong năm nay, sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương.
Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ : Về Chính phủ điện tử

Các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP từ 2015 đến nay

Tình hình thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP tại một số tỉnh: Bắc Kạn, Yên Bái, Đắk Lắk, An Giang, Cao Bằng, Yên BáiBắc Giang, Hà NamThái Bình, Quảng NgãiĐồng Nai,
Nguồn: ICTnews.vn; Ảnh: internet