Tăng cường công khai, minh bạch ngân sách nhà nước

Bội chi ngân sách lớn, mất cân đối thu – chi ngân sách giữa các địa phương… là những bất cập nổi lên trong quản lý thu – chi ngân sách hiện nay.

Thiếu công bằng trong thu – chi ngân sách địa phương 

Theo TS. Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2015 của nước ta đã lên đến 6,11% GDP; năm 2016 khoảng 5% GDP, tức mỗi ngày bội chi trên 520 tỷ đồng, cả năm khoảng 200.000 tỷ đồng.

Ngoài vấn đề bội chi ngân sách, vị chuyên gia này còn chỉ rõ những bất cập trong quản lý thu – chi ngân sách, thiếu công bằng trong thu – chi ngân sách địa phương. Hiện gánh nặng thu NSNN dồn lên vai 6 tỉnh, thành phố Đông Nam bộ khi phải đảm đương tới trên 42% tổng thu NSNN và 11 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng với tỷ lệ hơn 30% tổng thu NSNN. Trong khi đó, tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương cũng được cho là không phù hợp. Dẫn ví dụ về TP.HCM, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là đầu tàu kinh tế của cả nước đóng góp gần 27% tổng dự toán thu NSNN năm 2016, nhưng chỉ có 23% tổng thu NSNN trên địa bàn được giữ lại cho ngân sách địa phương, trong khi Hà Nội chiếm hơn 15% tổng dự toán thu NSNN năm 2016 của cả nước nhưng được giữ lại tới 42%; Hải Phòng được giữ lại tới 88%; Đà Nẵng là 85%… TP.HCM tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách năm 2017, điều này đồng nghĩa với việc tỷ lệ điều tiết số thu ngân sách mà địa phương được hưởng ngày càng giảm. “TP.HCM sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bảo đảm vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước cũng như nguồn thu ngân sách, khi nguồn vốn đầu tư bị hạn chế” – TS Doanh đưa ra dự báo.

TP.HCM đóng góp 27% NSNN nhưng chỉ được giữ lại 23% tổng thu cho ngân sách địa phương. Ảnh ST

Để giải quyết được những khó khăn cho nền kinh tế nói chung trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, các chuyên gia cho rằng cần chú trọng giảm tỷ lệ chi thường xuyên, thực hiện kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt, thay vì tạo ra sự bất hợp lý trong điều tiết ngân sách giữa các địa phương như hiện nay.

Chia sẻ xoay quanh quan điểm trên, có chuyên gia nêu ý kiến: việc điều tiết ngân sách cần được chuyển hướng nhằm duy trì các khoản chi về y tế, giáo dục cho người dân, bổ sung cho đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở mức độ hợp lý; nguồn chi nuôi bộ máy tiến tới do các địa phương tự bố trí, cân đối. Đặc biệt, dẫn lại Nghị quyết số 266/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017, các chuyên gia cũng lưu ý năm 2017 chi thường xuyên tiếp tục trở thành gánh nặng cho NSNN. Để giảm bớt áp lực này, Chính phủ cần phải áp dụng một chương trình giảm biên chế quyết liệt; các dự án đầu tư công phải được đấu thầu quốc tế, theo chuẩn quốc tế, hạn chế các dự án chỉ định thầu để tránh nảy sinh tiêu cực…

Công khai, minh bạch mạnh mẽ hơn

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra các biện pháp nhằm công khai, minh bạch quy trình lập dự toán, sử dụng NSNN được thể hiện trong các luật mới ban hành gần đây như Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Luật Tiếp cận thông tin… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức để tăng tính công khai minh bạch, qua đó tăng hiệu quả giám sát, hiệu quả sử dụng ngân sách. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, có tình trạng tùy tiện trong sử dụng ngân sách, một phần là do khả năng giám sát còn hạn chế, nguyên nhân sâu xa là thông tin ngân sách kém minh bạch và công khai.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đang phụ thuộc lớn vào ngân sách trung ương nên có tâm lý ỉ lại hay chi tiêu không hợp lý, thiếu hiệu quả như xây trụ sở lớn, đầu tư dàn trải… Tất cả điều đó, theo TS. Lê Đăng Doanh, đều không được công khai, minh bạch, vẫn chỉ là “những con số chung chung”, không được các cơ quan chức năng công bố cụ thể.

Bình luận về mức độ minh bạch ngân sách, bà Ngô Thị Minh Hương – Giám đốc Trung tâm Hội nhập và Phát triển cho rằng, một trong những vấn đề từng đánh tụt điểm của Việt Nam khi xếp hạng minh bạch ngân sách là chưa công bố dự thảo dự toán ngân sách. Việc công khai tài liệu này chính thức được áp dụng cho năm ngân sách 2017. “Người dân phải được biết và được tham gia vào dự toán ngân sách ngay từ khi đang thảo luận, thay vì chỉ được biết khi Quốc hội đã quyết như vừa qua” – bà Hương cho biết.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải công khai, minh bạch trong phân bổ ngân sách, bà Đỗ Bích Thủy – Giám đốc Trung tâm năng lực Cộng đồng, cho rằng ở Việt Nam việc phân bổ ngân sách là có thứ tự ưu tiên nhưng không công khai. Vì thế các địa phương vẫn tìm cách “vận động” để được nhận phân bổ ngân sách nhiều hơn. Còn việc thực hiện công khai, minh bạch trong đầu tư công mặc dù đã được quy định, mantra lại nằm trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, dẫn đến hiệu lực pháp luật chưa cao, quá trình áp dụng còn thiếu nhất quán. Từ đó thiếu đánh giá trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân khi để xảy ra sai phạm. “Mấu chốt ở đây là vấn đề công khai, minh bạch. Chỉ khi nào yêu cầu này thực sự được đáp ứng thì lúc đó, bất cập trong phân cấp quản lý cũng như sai phạm trong thu chi ngân sách sẽ giảm” – bà Thủy nhận định.

Nguồn: http://baokiemtoannhanuoc.vn/van-de-hom-nay/tang-cuong-cong-khai-minh-bach-ngan-sach-nha-nuoc-136602 ; Ảnh: Nguồn Bizlive