Thực trạng tổ chức kê khai tài sản, thu nhập

Công tác kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua đã được đánh giá, tổng kết, theo đó, một số kết quả ban đầu đã được chỉ ra như: việc kê khai tài sản, thu nhập ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn cả nước đã được tiến hành khá thường xuyên, đều đặn hàng năm; những hạn chế và lúng túng trong triển khai thực hiện, kê khai không đúng trình tự, thủ tục đã được các cơ quan, tổ chức, đơn vị bước đầu khắc phục; việc chấp hành về thời hạn kê khai, báo cáo kết quả kê khai đã có những chuyển biến tích cực; việc kê khai tài sản, thu nhập, trả lương qua tài khoản đã được triển khai rộng rãi, có tác động, tạo sự chuyển biến về ý thức, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tính tự giác và trách nhiệm của các đối tượng trong diện phải kê khai tài sản, thu nhập đã có dấu hiệu được nâng lên; việc kê khai tài sản, thu nhập đã có những tác dụng ở góc độ giúp công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức chặt chẽ hơn…

Tuy nhiên, kê khai tài sản, thu nhập vẫn chưa đạt mục đích và đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân. Những cụm từ được nhắc đến nhiều là: “hình thức”, “đối phó”, “kê nhưng không khai”, “Lãng phí và tốn kém”.v.v… đã phần nào phản ánh những bất cập, hạn chế, yếu kém trong việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua ở nước ta. Những hạn chế, bất cập trong kê khai tài sản, thu nhập là:

– Theo quy định, ngoài việc kê khai tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân thì người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai tài sản chuyển tài sản của mình cho con đã thành niên (chưa kể chuyển cho các đối tượng khác), nhất là trong trường hợp người con này không thuộc diện kê khai tài sản thì cũng không thể đánh giá, giám sát một cách chính xác tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Mặt khác, trong các quy định của pháp luật mới chỉ nhấn mạnh đến việc phải xác minh tài sản, thu nhập trong các trường hợp “có vấn đề” theo quy định. Vì thế, các bản kê khai hầu như không có xác minh, đánh giá, kết luận.

– Việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập được tiến hành trong thời gian qua vẫn nặng về có kê khai nhưng không công khai. Số cơ quan, đơn vị công khai các bản kê khai còn ít và chưa làm theo đúng quy định. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị và nhân dân hầu như không nắm được số liệu kê khai tài sản, thu nhập của các đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc so sánh, đánh giá đúng những tài sản mà người có nghĩa vụ kê khai đang sở hữu. Do đó, việc kê khai đúng hay không, hợp lý hay không hợp lý khó định danh được chính xác.

– Việc kê khai tài sản, thu nhập còn bỏ ngỏ khâu kiểm tra, xác minh, đánh giá, kết luận. Người có nghĩa vụ kê khai đã “tự giác” kê khai theo bản mẫu quy định. Tuy nhiên, nội dung kê khai hầu như không được bộ phận chức năng kiểm tra, xác minh, đánh giá và kết luận. Vì thế, người có nghĩa vụ kê khai luôn tâm niệm “đến hẹn lại lên” với việc kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng ngày 12/7/2016 cho biết, trong 10 năm qua mới xác minh được 4.800 trường hợp, phát hiện xử lý 17 người kê khai không trung thực và kỷ luật 17 người vi phạm về tổ chức kê khai tài sản, thu nhập(1).

– Trong các văn bản pháp luật có quy định các hình thức xử lý kỷ luật đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Nhưng trên thực tế, quy định này hầu như chưa được thực hiện, vì có kê khai nhưng không công khai (hoặc công khai trong phạm vi hẹp); kê khai nhưng không kiểm tra, xác minh, đánh giá, kết luận thì sẽ không có kết quả để biết bản kê khai đó có trung thực hay không. Vì vậy, người có nghĩa vụ phải kê khai tùy hứng kê và khai, nội dung kê khai mang tính đại khái, không trung thực, thậm chí “phóng đại” nguồn tài sản, thu nhập.

– Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức không quan tâm triệt để đến việc kê khai tài sản, thu nhập; thường chỉ triển khai khi có nhắc nhở, đôn đốc hoặc chỉ đạo theo kiểu “đến hẹn lại lên”. Quá trình triển khai được giao cho bộ phận chức năng thực hiện (thường là bộ phận làm công tác tổ chức trong cơ quan, đơn vị). Bộ phận phụ trách việc này hầu hết đều làm qua loa, không hướng dẫn và cũng không thực hiện kiểm tra để kiểm soát nội dung khai. Sau khi tiếp nhận các bản khai chỉ được rà soát dưới hình thức đếm số lượng người kê khai đủ hay thiếu, người kê khai đã ký hay chưa ký, rồi đưa vào tủ hồ sơ lưu và báo cáo công việc đã hoàn thành. Người đứng đầu đơn vị cũng dựa trên báo cáo đó để phản ánh với cấp trên hoặc đánh giá trước hội nghị cơ quan, đơn vị.

– Đối tượng có nghĩa vụ kê khai phải sử dụng 2 đến 3 bản giấy để kê khai trong mỗi lần kê khai gây tốn kém, lãng phí (theo quy định hiện nay, đối tượng có nghĩa vụ kê khai lên đến hàng triệu người). Không những thế, số lượng các trang trong bản kê khai quá nhiều gây khó khăn cho việc niêm yết công khai.
Nguồn: Ảnh: tuoitre.vn, Bài: tcnn.vn