Tiếp cận OGP ở Việt Nam – Trên xuống hay dưới lên?

Vận động OGP cần tiếp cận rộng, đến nhiều dạng chủ thể. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng với đặc thù của OGP, cách tiếp cận ở Việt Nam nên từ trên xuống là chủ đạo, kết hợp với cách tiếp cận từ dưới lên.

Tiếp cận từ trên xuống tạm được hiểu là tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến các cơ quan, tổ chức thuộc thượng tầng kiến trúc của hệ thống chính trị (còn được gọi là “các cơ quan trung ương”) ở Việt Nam. Lý do cần xem tiếp cận từ trên xuống là chủ đạo là bởi OGP gắn liền với các chính sách quản trị nhà nước ở tầm vĩ mô, thuộc quyền quyết định của các cơ quan trung ương. Việc tác động đến các cơ quan này, do đó, là cần thiết tất yếu và nhanh chóng nhất.

Trong khi đó, tiếp cận từ dưới lên được hiểu là tác động đến người dân và chính quyền các cấp ở địa phương. Theo nghĩa rộng, tiếp cận từ dưới lên cũng được hiểu là việc tác động đến các chủ thể ngoài hệ thống chính trị, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, giới học giả, giới báo chí. Mặc dù không trực tiếp quyết định khả năng tham gia OGP, việc tác động đến các chủ thể này cũng rất quan trọng, không thể thiếu, để bổ trợ, làm nền tảng cho cách tiếp cận trên.

Cách tiếp cận nêu trên đã chứng tỏ sự phù hợp ở một số quốc gia.[1] Mặc dù vậy, cách tiếp cận này có thể khác với cách làm của một số tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam gần đây, ví dụ như cách vận động cho quyền của LGBT do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế & Môi trường (ISEE) chủ trì mà trong đó sử dụng cách tiếp cận từ dưới lên.

[1] Ví dụ về chương trình OGP ở 15 nước trong các tài liệu: http://www.opengovpartnership.org/how-it-works/subnational-government-pilot-programhttp://www.opengovpartnership.org/blog/ogp-webmaster/2016/04/12/announcing-commencement-subnational-pilot-program-15-countries