Tiêu chí thành viên

Mọi quốc gia đều có thể tham gia OGP khi hội tụ đủ điều kiện tối thiểu 75% của tổng số 16 điểm được xây dựng dựa trên 4 tiêu chuẩn hợp lệ tối thiểu (minimum eligibility criteria), bao gồm: (i) Minh bạch ngân sách, (ii) Tiếp cận thông tin, (iii) Công khai tài sản và (iv) Sự tham gia của người dân. Mỗi tiêu chí có thể nhận được tối đa 4 điểm.

(1) Minh bạch ngân sách (Fiscal Transparency):

Minh bạch ngân sách được hiểu là quốc gia phải công bố kịp thời những tài liệu quan trọng về ngân sách nhà nước – các cấu thành cơ bản của một hệ thống ngân sách mở, đồng thời phục vụ cho việc thực hiện trách nhiệm giải trình về ngân sách.

Tổng điểm cho tiêu chuẩn này là 4, trong đó cứ mỗi một trong hai tài liệu quan trọng về ngân sách được công bố sẽ được tính hai điểm, đó là Dự toán ngân sách của Chính phủ (Executive’s Budget Proposal) và Báo cáo kiểm toán (Audit Report).

(2) Tiếp cận thông tin (Access to Information):

OGP nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật tiếp cận thông tin, coi đó là công cụ pháp lý bảo đảm quyền của công chúng được thông tin và được tiếp cận với những tài liệu do nhà nước nắm giữ – được cho là cốt yếu với tinh thần và hoạt động của Chính phủ mở.

Tổng điểm cho tiêu chuẩn này cũng là 4, trong đó quốc gia đã có luật tiếp cận thông tin sẽ nhận được cả 4 điểm. Quốc gia chưa có luật này nhưng có một điều khoản trong hiến pháp quy định quyền tiếp cận thông tin sẽ được tính 3 điểm, còn quốc gia chưa có quy định như vậy trong hiến pháp nhưng đang soạn thảo luật tiếp cận thông tin sẽ được tính 1 điểm. Quốc gia có một điều khoản trong hiến pháp quy định quyền tiếp cận thông tin và đang xây dựng luật này cũng chỉ được tính 3 điểm.

(3) Công khai tài sản của quan chức nhà nước (Public Officials Asset Disclosure)

Các quy định pháp luật yêu cầu các quan chức nhà nước được bầu qua bầu cử và các quan chức nhà nước cao cấp khác phải công khai thu nhập và tài sản là cốt yếu cho phòng, chống tham nhũng và cho một Chính phủ mở, có trách nhiệm giải trình. Sự công khai bao gồm việc công bố rộng rãi những thông tin về thu nhập và tài sản của những đối tượng này.

Tổng điểm cho tiêu chuẩn này cũng là 4, theo đó, nếu một quốc gia có luật yêu cầu công khai, đồng thời có bất kỳ quy định nào cho phép công chúng tiếp cận với thông tin về thu nhập và tài sản của quan chức nhà nước sẽ nhận được cả 4 điểm. Quốc gia nào mới chỉ có luật yêu cầu công khai nhưng thông tin về tài sản của quan chức chưa được công bố rộng rãi thì chỉ được 2 điểm. Quốc gia nào chưa có luật quy định về việc công khai tài sản thì không nhận được điểm nào cho tiêu chuẩn này.

(4) Sự tham gia của người dân (Citizen Engagement):

Chính phủ mở đòi hỏi người dân phải được tham gia và được lôi cuốn vào hoạt động xây dựng chính sách và quản lý nhà nước. Điều này được hiểu là cần có những đảm bảo cơ bản (basic protections) cho các quyền tự do dân sự (civil liberties).

Tổng điểm cho tiêu chuẩn này cũng là 4, trong đó quốc gia nào đạt mức từ 7,5/10 điểm về tự do dân sự trong Bộ chỉ số về dân chủ của EIU[1] năm 2014 (the 2014 EIU Democracy Index)[2] sẽ được 4 điểm; quốc gia nào đạt mức từ 5,2/10 được 3 điểm; quốc gia nào đạt mức từ 2,5/10 được 2 điểm, còn quốc gia nào đạt mức dưới 2,5/10 được 0 điểm.

Để tham gia OGP, các quốc gia phải bày tỏ cam kết về Chính phủ mở và chứng minh đã đạt được 75% (12/16) điểm cho bốn tiêu chuẩn nêu trên. Điểm số của các quốc gia ứng viên sẽ được đánh giá bởi các chuyên gia độc lập.

Tuy nhiên, do thực trạng mặc dù các Chính phủ cam kết ủng hộ hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, nhưng thực tế họ đang có những chính sách gây khó khăn cho các không gian dân sự hoạt động và phát triển, chính điều này cũng cản trở sự tham gia của người dân. Trước tình hình đó, Hội đồng chủ tịch OGP đã quyết định bổ sung thêm tiêu chí liên quan tới mức độ tự do phát triển của các Không gian dân sự, đảm bảo các quyền cơ bản của người dân, của xã hội dân sự.

Hiện nay, Việt nam còn thiếu 4 điểm để đạt được tiêu chí tư cách hợp lệ là 12/16 do tổng số điểm của quốc gia chỉ ở mức 8/16 và bổ sung thêm tiêu chí về hoạt động của các không gian dân sự.

(Theo tài liệu họp nhóm Thúc đẩy OGP tại Việt Nam 29.1.2018)

[1] EIU là tên viết tắt của Economist Intelligence Unit (Tổ chức thông tin kinh tế) của tờ thời báo quốc tế nổi tiếng Nhà Kinh tế (The Economist). Bộ phận này thu thập, phân tích thông tin về nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới (hiện tại là 145 quốc gia ở 5 châu lục) trong đó có thông tin về sự tham gia của người dân vào quản lý nhà nước, và công bố trong các báo cáo công khai. Các nhà đầu tư quốc tế thường nghiên cứu những thông tin của EIU để quyết định việc đầu tư vào một quốc gia. OGP sử dụng Bộ chỉ số về dân chủ của EIU để làm tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn về sự tham gia của người dân. Xem thông tin chi tiết về EIU tại đây http://www.eiu.com/home.aspx.

[2] Bộ chỉ số dân chủ năm 2014 của EIU (EIU Democracy Index 2014) bao gồm 5 nhóm tiêu chí đánh giá là: Tiến trình bầu cử và sự đa nguyên (electoral process and pluralism); các tự do dân sự (civil liberties); hoạt động điều hành của nhà nước (the functioning of government); sự tham gia vào hoạt động chính trị của người dân (political participation); và văn hoá chính trị (political culture). Việc đánh giá sẽ dựa trên việc chấm điểm cho từng tiêu chí và cộng trung bình rồi dựa trên cơ sở đó xếp loại các quốc gia.