Việt Nam trong mối quan hệ với OGP

Như đã đề cập, mọi quốc gia đều có thể tham gia OGP khi hội tụ đủ điều kiện tối thiểu 75% của tổng số 16 điểm, được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí, bao gồm: (i) Minh bạch ngân sách, (ii) Minh bạch thông tin, (iii) Công khai tài sản và (iv) Sự tham gia của người dân.

Từ tháng 9/2017: Ban chỉ đạo OGP bổ sung thêm tiêu chí: “Values Check”.

Về Minh bạch ngân sách, như đã nêu ở phần trên, OGP xem xét hai báo cáo quan trọng, đó là Dự toán Ngân sách nhà nước (Executive’s Budget Proposal[1]) và Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước (Audit Report[2]). Với mỗi báo cáo được công bố, một quốc gia nhận được 2 điểm. Tại Việt Nam, vào thời điểm tháng 11 năm 2017, dựa vào số liệu của Open Budget Survey do tổ chức International Budget Partnership thực hiện thì do Dự toán ngân sách Nhà nước của Việt Nam mới chỉ trình Quốc hội phê duyệt mà chưa công bố cho công chúng đúng thời điểm như qui định trong Luật Ngân sách mới và Báo cáo kiểm toán quyết toán Ngân sách Nhà nước cũng công bố muộn nên điểm số cho phần Minh bạch tài khóa là 0 điểm.

Về Tiếp cận thông tin, như đã nêu ở phần trên, OGP cho 4 điểm cho những nước có Luật tiếp cận thông tin, 3 điểm cho những nước có một điều khoản trong Hiến pháp đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, và 1 điểm cho những nước đang xây dựng Luật tiếp cận thông tin. Đối với phần này, tại thời điểm tháng 11 năm 2017 Việt Nam đã có Luật Tiếp cận thông tin nên đủ tiêu chuẩn được 4 điểm.

Về Công khai tài sản, như đã nêu ở phần trên, OGP chấm 4 điểm cho những nước có luật yêu cầu công khai tài sản, và thông tin đó phải được công khai cho công chúng. Những nước chỉ có luật yêu cầu phải công khai tài sản thì được 2 điểm, còn những nước không có luật như vậy thì không được điểm nào. Về nội dung Công khai tài sản, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới về công khai tài sản và dựa vào hệ thống pháp lý thì Việt nam đã có Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành và các nghị định hướng dẫn qui định 2 nhóm đối tượng phải công khai tài sản. Nhưng những bản kê khai này chỉ được công khai tại nơi làm việc. Tiêu chí này được đánh giá là 2 điểm tại thời điểm tháng 11/2017

Về Sự tham gia của công dân, như đã nêu ở phần trên, OGP sử dụng điểm số về tự do dân sự  trong Chỉ số dân chủ của EIU. Điểm số này có xét đến 17 tiêu chí về các lĩnh vực như tự do biểu đạt (freedom of expression), tự do báo chí, tự do Internet, tự do hội họp, không bị tra tấn, sự độc lập của toà án, tự do tôn giáo, bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, an ninh, tự do cá nhân, tự do khỏi các hình thức phân biệt đối xử v.v. Nội dung Sự tham gia của người dân được đánh giá dựa trên các chỉ số về tự do dân sự với 4 tiêu chí khác nhau. Tại thời điểm tháng 11/2017 Việt Nam được 2 điểm.

 

[1] Executive’s Budget Proposal (Dự toán ngân sách nhà nước), theo định nghĩa của International Budget Partnership, là tài liệu ngân sách mà nhánh hành pháp trình cho nhánh lập pháp để phê duyệt. Tài liệu này liệt kê những nguồn thu, phân bổ ngân sách cho tất cả các bộ, những kiến nghị sửa đổi chính sách, cùng với những thông tin quan trọng khác để hiểu tình hình tài chính của đất nước (Open Budget Survey 2015, trang 21). Tài liệu này phải được công bố khi nhánh lập pháp vẫn còn đang xem xét. Nếu công bố sau khi nhánh lập pháp đã phê duyệt thì không thể nói dự toán ngân sách nhà nước được công khai (Open Budget Survey 2015, trang 62).

[2] Audit Report (Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước) được ban hành bởi cơ quan kiểm toán tối cao của đất nước. Báo cáo này đánh giá tính đúng đắn và đầy đủ của các tài khoản thu chi cuối năm của chính phủ (Open Budget Survey 2015, trang 21). Báo cáo này phải được ban hành không muộn hơn 18 tháng kể từ thời điểm năm tài chính kết thúc (Open Budget Survey 2015, trang 62).