Pháp luật về tiếp cận thông tin ở Việt Nam

Hệ thống pháp luật đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân và trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan công quyền mới chỉ manh nha bắt đầu từ năm 1998 với Nghị định của Chính phủ số 29/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 05 năm 1998 về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sau đó, một số luật do Quốc hội ban hành cũng quy định việc công khai minh bạch, như Luật Ngân sách 2002, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005, Luật Kiểm toán Nhà nước 2005.

Theo nghiên cứu ‘Báo chí với quyền tiếp cận thông tin’ do Ngân hàng Thế giới tài trợ, hiện ở Việt Nam có khoảng 50 luật, pháp lệnh có nội dung liên quan đến quyền tiếp cận thông tin, “nhưng mới chỉ dừng lại ở việc quy định trách nhiệm công khai, minh bạch và cung cấp thông tin về một lĩnh vực cụ thể, chưa có một cơ chế pháp lý cụ thể để bảo đảm thực hiện quyền này một cách có hiệu quả. Các văn bản còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam và các yêu cầu khác của một thể chế pháp luật trong một xã hội đang phát triển không ngừng”.[1]

Luật Tiếp cận thông tin được Quốc hội thông qua ngày 6 tháng 4 năm 2016 là một tiến bộ trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân. Luật quy định những nguyên tắc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, chủ thể thực hiện quyền tiếp cận thông tin, phạm vi và trách nhiệm cung cấp thông tin, những thông tin phải được công khai, hình thức và thời điểm công khai, cung cấp thông tin theo yêu cầu, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Luật này sẽ khiến việc đòi hỏi quyền tiến cận thông tin của người dân và thực thi công khai, minh bạch của cán bộ, công chức nhà nước trở nên dễ dàng hơn. Lần đầu tiên, thay vì phải tìm trong nhiều luật và văn bản dưới luật khác nhau về tiếp cận thông tin, người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức có thể tìm thấy những quy định cơ bản trong một văn bản luật.

Đồng thời, lần đầu tiên ở Việt Nam, một chế tài hình sự được áp dụng cho tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), theo đó: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.[2]

Tuy nhiên, Luật Tiếp cận thông tin 2016 cũng quy định những thông tin thuộc bí mật nhà nước là những thông tin công dân không được tiếp cận (Điều 6). Như vậy, mức độ “mở” của Luật Tiếp cận thông tin thực chất phụ thuộc vào nội dung của Luật về Bí mật nhà nước đang được đề xuất xây dựng.

Hiện tại, quy định về việc xây dựng danh mục bí mật nhà nước mà nằm gọn trong khối hành pháp, cụ thể là sự thống nhất giữa người đứng đầu các cơ quan trung ương với Bộ trưởng Bộ Công an[3], đang tạo ra trở ngại lớn với quyền tiếp cận thông tin của người dân. Nếu như quy định này không được sửa đổi trong Luật về Bí mật nhà nước, khả năng nó sẽ là lực cản chính trong việc thực hiện ba tiêu chí đầu tiên của OGP, đó là Tiếp cận thông tin, Minh bạch ngân sách và Công khai tài sản.

Tóm lại, Luật Tiếp cận thông tin thôi chưa đủ, Việt Nam cần phải có một luật về bảo vệ bí mật nhà nước tốt hơn Pháp lệnh hiện hành, để đảm bảo rằng các cơ quan, cán bộ, công chức trong bộ máy hành pháp không thể tự quyết định danh mục bí mật nhà nước và tuỳ tiện trong việc sử dụng dấu mật. Luật về bảo vệ bí mật nhà nước “Cần luật hoá các qui định bảo vệ bí mật nhà nước theo hướng: phân biệt chi tiết các loại thông tin thuộc mật, tuyệt mật, tối mật; cần quy định rõ những nội dung thuộc bí mật của các cơ quan, các bộ ngành; quy định những chế tài nghiêm khắc đối với hành vi lạm dụng con dấu mật của các cơ quan nhà nước; quy định các thông tin không được phép tiếp cận phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và hiến pháp và không quá mức hạn chế quyền tiếp cận thông tin và phải do Quốc hội quyết định chứ không phải do các cơ quan hành chính nhà nước quyết định, nhằm tránh sự tùy tiện trong việc đóng dấu mật trên các văn bản đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước khi xác định trách nhiệm của mình trong việc xác định thông tin nào phải công khai, công khai dưới hình thức nào và khi nào; đồng thời xác định thời hạn giải mật các thông tin phù hợp với Luật Lưu trữ.”[4]

[1] Đặng Tâm Chánh và Nhóm nghiên cứu Sài Gòn Truyền Thông. 2014. Báo chí với quyền tiếp cận thông tin. Trang 12. (Báo cáo chưa công bố – Unpublished publication)

[2] Khoản 1, Điều 167, Bộ Luật Hình sự 2015.

[3] Điều 7, Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật nhà nước quy định: “Danh mục bí mật nhà nước thuộc độ Mật do người đứng đầu hoặc người được uỷ quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.”

[4] Đặng Tâm Chánh. Tài liệu đã trích dẫn. Trang 85.